LÀNG NGHỀ VIỆT NAM: Nỗ lực vượt qua khó khăn (28/01/2010)
Hệ thống làng nghề Việt Nam bắt đầu khởi sắc từ khi gia nhập WTO. Năm 2007, cả nước có 2.017 làng nghề, tới năm 2009, làng nghề đã phát triển thành 2.790 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động; trong đó có cả những người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em và lao động lúc nông nhàn. Năm 2008, kim ngạch của làng nghề ước đạt khoảng 850 triệu USD. Tuy chưa có thống kê chính xác nhưng doanh thu năm 2009 có giảm nhưng không nhiều so với năm trước.
Nhớ lại đầu năm trước, làng nghề thực lao đao. Tháng 2-2009, có tới gần 5 triệu lao động làng nghề đứng trước nguy cơ thất nghiệp Những làng mây tre đan như Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Nội, may mặc ở Vân Từ, Đại Xuyên, đồ gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), thêu ren ở Ninh Bình, Thái Bình gần như dừng hoạt động với lượng tồn dư sản phẩm giá trị rất lớn.
Tại hai hội thảo về làng nghề được tổ chức vào quý II-2009 ở hai đầu Nam, Bắc cho thấy làng nghề phía Nam đỡ khó khăn hơn, còn miền Bắc vì chủ yếu tham gia xuất khẩu nên ảnh hưởng nhiều.
Một trong những chính sách hỗ trợ nhanh chóng được triển khai cho làng nghề là được ưu tiên tiếp cận vốn vay hỗ trợ 4%. Tuy nhiên, như doanh nghiệp Ngô Ngọc Bích ở Đồng Kỵ cho biết, tại làng nghề này, rất ít doanh nghiệp vay được tiền. Theo số liệu công bố của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chỉ có khoảng 5-10% số hộ sản xuất khu vực làng nghề là tiếp cận được với chính sách này, một tỷ lệ quá khiêm tốn. Sở dĩ vậy chính là vì ngân hàng “cho vay ngại”, vì với cùng công sức bỏ ra, làng nghề vay ít, nợ khó đảm bảo và chi phí quản lý không khác gì cho vay nhiều.
Nhưng đến quý III-2009, vấn đề không phải là vốn nữa mà là thị trường. Ưu tiên chính sách, gần như ngay lập tức chuyển sang tập trung vào tiêu thụ cho doanh nghiệp.
Trong khi nhiều chính sách hỗ trợ mới chỉ dừng ở vận động là chính, điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề đã chuyển kịp hướng về thị trường trong nước, sang sản xuất hàng nội địa. Nhiều ngành hàng hình thành những bộ phận chuyên làm tiêu thụ, tổ chức những chuyến xe mang hàng về nông thôn, bán tận tay người tiêu dùng. Chính sự nỗ lực tự vận động trong sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô đã đưa các làng nghề vượt qua khó khăn của thời suy thoái.
Bài và ảnh: KIM LOAN