LÀNG K130 - XỨNG TẦM ĐỊA CHỈ ĐỎ
Nhà truyền thống làng K130
Về thăm Tổ dân phố (TDP) K130 Thị trấn Nghèn (Can Lộc), không chỉ được nghe kể về những chiến tích của cha ông trong kháng chiến chống Mỹ mà còn được chứng kiến nhiều sự đổi thay của làng K130 xứng tầm địa chỉ đỏ.
Huyền thoại K130
TDP K130 Thị trấn Nghèn, Can Lộc (Hà Tĩnh) ngày nay, xưa là xóm Hạ Lội thuộc xã Tiến Lộc. Sở dĩ gọi là xóm Hạ Lội vì 3 phía là sông ngòi, chỉ phía Đông tiếp giáp với con đường thiên lý Bắc – Nam, nay là QL1A. Từ ngày đế quốc Mỹ ném bom Miền Bắc, Tiến Lộc cùng với các xã Vượng Lộc, Đại Lộc nằm trong tọa độ lửa trước Ngã ba Đồng Lộc bởi tuyến đường huyết mạch này có nhiều cầu cống, sông ngòi, đi qua một quãng đường hơn 5km sình lầy, để vận chuyển được vũ khí đạn dược vào chiến trường Miền Nam xe phải qua phà sông Nghèn, sông Già.
Chiều ngày 12 tháng 8 năm 1968, Ban An toàn giao thông Tỉnh Hà Tĩnh như ngồi trên đống lửa bởi hàng trăm xe chở bộ đội, lương thực, đạn dược qua địa bàn Hà Tĩnh buộc phải ém vào núi Hồng Lĩnh, nép vào nhà dân bởi Ngã ba Đồng Lộc bị phong tỏa 24/24, QL1A đoạn qua xóm Hạ Lội (Tiến Lộc) bị cắt đứt, trên trời, máy bay trinh sát giám sát không ngừng nghỉ.
Một quyết định táo bạo, có tính mạo hiểm nhưng gây bất ngờ lớn cho địch khi Tỉnh quyết tâm nhanh chóng, bí mật mở đường tránh xuyên qua thôn Hạ Lội rồi dùng phà ngụy trang đưa xe qua sông. 10h, ngày 13 tháng 8 năm 1968 Tỉnh, Huyện phổ biến mệnh lệnh cho Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Trần Đình Trọng. 3h chiều luồn lách qua các triền cây, về đến xã hội ý chớp nhoáng rồi tiến hành họp dân ngay. Lời hiệu triệu được Chủ tịch đưa ra tại chỗ như một mệnh lệnh: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Hầu như không cần bàn bạc, ông Lê Bá Kiên đầu thôn giơ tay xung phong dỡ nhà trước. Bà Đinh Thị Trí (lúc đó 69 tuổi) sống độc thân đứng dậy nói “Nhà tôi chỉ cái lều không giúp gì được, có bộ ván hậu sự mới mua, tôi xung phong hiến làng lát đường cho xe qua”. Rồi ba người, bốn người, rồi cả làng nhất quyết xung phong dỡ nhà ngay khi trời nhá nhem.
Đêm 13 tháng 8 năm 1968. Chỉ sau một đêm, không chỉ xóm Hạ Lội còn nhiều hộ dân của xóm Lộ Cũ, Xóm Hàng, tổng 88 hộ với 130 nóc nhà được tháo dỡ, phần lớn vật liệu được đưa ra lát đường chạy dưới các lũy tre ken dày ra bến thuyền cạnh Miệu Mướp.
Ông Phạm Tiến Cầm (1950) kể: “Năm đó tôi 18 tuổi, ông nội tôi có đến 10 người con, tối đó cả gia đình chuyển gần chục nóc nhà trong đêm, đến gần sáng cũng kịp xong. Sáng hôm sau, máy bay Mỹ tiếp tục oanh tạc nhưng không trúng đường mới mở, không trúng bến thuyền. Một số quả bom rơi xuống vạt cây bần khiến một số xuồng chở gạo bị đắm, hai ngày sau khi những chuyến xe đã qua hết khỏi phà thì dân quân mới vớt gạo ướt chở bằng thuyền lên xã Thạch Minh (Thạch Hà) phơi phóng”.
“Thật tình, lúc đó nhà nào lo dỡ nhà đó chứ cũng không biết cả làng ai ai cũng đồng loạt dỡ nhà, Sáng ra nhìn mới biết, làng chỉ còn cây cối. Cả nhà kho HTX và Miệu Mướp cũng được tháo dỡ để lát đường”, ông Cầm kể tiếp.
Theo hồ sơ lưu trữ Di tích lịch sử cấp Quốc gia Làng K130 mà ông Võ Tá Quang, công chức Văn hóa Thị trấn Nghèn cung cấp, trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Tiến Lộc, trong đó có làng Hạ Lội gần 19.000 quả bom, 1.522 quả rocket, làm 57 người chết, 151 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Trong đó gia đình ông Chung Huấn ở thôn Hạ Lội bị bom ném trúng 4 người thiệt mạng tại chỗ trong đó vợ đang mang thai.
Để K130 trở thành địa chỉ đỏ
Năm 2020, xã Tiến Lộc được sáp nhập với Thị trấn Nghèn, thôn K130 được đổi tên thành TDP K130; năm 2022, TDP Hà Nam sáp nhập vào TDP K130. Vì vậy, TDP K130 có 332 hộ, 1430 nhân khẩu.
Ông Trần Văn Hiền, Tổ trưởng TDP K130 hồ hởi: “Sau bao nhiêu năm chờ đợi, cán bộ và nhân dân TDP K130 chúng tôi vỡ òa niềm vui khi UBND Tỉnh đã có quyết định đầu tư giai đoạn 1 các hạng mục Nhà lưu niệm gắn với khuôn viên nhà văn hóa TDP với tổng số tiền gần 15 tỉ đồng. Cùng với đó, con đường trục chính dẫn vào làng theo đúng con đường ngày xưa cha ông tháo dỡ nhà lát mở đường cũng đã được Tỉnh đầu tư mở rộng 7m, rải thảm. Chúng tôi biết, đó là sự tri ân của Đảng và Nhà nước cho những gì cha ông chúng tôi đã từng cống hiến nên người dân ai cũng tự hào”.
Phóng viên đặt câu hỏi: Vậy, để Làng K130 trở thành địa chỉ đỏ đúng nghĩa, ngoài Nhà lưu niệm, cần giữ gìn và bảo tồn những chiến tích nào? Ông Trần Văn Hiền cho biết: “Tôi có thâm niên hơn 20 năm liên tục làm trưởng thôn K130 khi còn xã Tiến Lộc, nay là TDP thị trấn Nghèn nên tôi khẳng định cán bộ và nhân dân ở đây đã đề xuất nguyện vọng thêm 4 hạng mục cực kỳ quan trọng, đó là: Cần một tấm bia ghi chiến tích trong Khu lưu niệm để con cháu đời sau tự hào về cha ông. Khôi phục lại bến thuyền chính ngay trước Miệu Mướp và bến thuyền dự phòng cách đó khoảng 50m, cùng với đoạn đường xuống bến khoảng 200m mà cha ông đã dành đất để mở đường nay đất vẫn còn để nguyên. Chiến tích của Làng K130 không thể không bảo tồn cụm cây bần còn sót lại. Bần chính là loại cây ken đặc hai bên bờ giúp thuyền, phà chở xe vượt sông xong về ẩn nấp, cũng nhờ cây bần mà bao lần thuyền chở gạo, súng đạn qua sông bị đánh đắm nhưng không bị lộ. Ngoài bảo tồn số cây còn sót lại cần nhân giống phủ kín khu vực bến thuyền. Cuối cùng, nhân dân K130 từ lâu mong muốn 100% số hộ được dùng nước máy để đảm bảo nước sạch, hiện còn khá nhiều hộ vẫn đang phải dùng nước mưa, nước giếng khơi”.
Mang 4 điều mong muốn của người dân trao đổi với ông Bùi Viết Hùng, Chủ tịch UBND Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc; ông Hùng cho biết: “Đấy là những đề xuất rất chính đáng của cán bộ và nhân dân TDP K130, tất cả những nội dung trên đã và đang được triển khai thực hiện. Cụ thể: Đến khoảng tháng 10 năm 2023 sẽ hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung nước sạch cho tất cả các thôn thuộc xã Tiến Lộc cũ trong đó có TDP K130. Ngoài những nội dung TDP đề xuất, UBND Thị trấn Nghèn còn có kế hoạch sưu tầm lại các hiện vật, hình ảnh về làng Hạ Lội xưa, tư liệu về chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ, cùng với đó là khôi phục lại một số nghề truyền thống của làng như gói bánh gai, nghề thủ công, nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…Sau khi hoàn thành, TDP K130 sẽ xứng đáng là địa chỉ đỏ, trở thành điểm tham quan du lịch lịch sử gắn với Ngã ba Đồng Lộc anh hùng”.
Bài và ảnh: Anh Thi – Quốc Hiệp