Hòa cùng đoàn khách tới thăm, chúng tôi được anh Đinh Văn Tuyên-Giám đốc Làng cho biết, Làng Hữu Nghị chính thức đi vào hoạt động năm 1998. Sáng lập ra Làng là ông George Mizo-một CCB Hoa Kỳ phản chiến trong chiến tranh Việt Nam. Ông đã tích cực hoạt động và vận động bạn bè, CCB ở các nước Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Nhật, Ca-na-đa quyên góp xây dựng Làng Hữu Nghị Việt Nam và phối hợp với Hội CCB Việt Nam nuôi dưỡng, chăm sóc các nạn nhân tại Làng và hiện nay, vợ ông-bà Rossie Hohn Mizo tiếp bước chồng đang là Chủ tịch Ủy ban quốc tế về Làng Hữu Nghị Việt Nam. 18 năm thực hiện công việc chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam, đến nay Làng đã nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho hơn 6.000 nghìn lượt CCB, TNXP và hơn 600 cháu thiếu nhi bị ảnh hưởng chất độc da cam trong chiến tranh. Khuôn viên của Làng khá rộng với 2,7ha, có khu nhà ba tầng khang trang là nơi ăn nghỉ thường xuyên của CCB và 5 ngôi nhà ba tầng (T1 đến T5) là nơi ở thường xuyên của 120 cháu thiếu nhi; có khu hậu cần, ao cá, sân chơi, vườn cây, có khu y tế, khu hành chính, thư viện, khu lớp học vang tiếng các cháu học bài… Không khí thật thanh bình như chôn vùi tiếng gào thét đạn bom, phun những luồng khí trắng đục đặc chất đi-ô-xin của những chiếc máy bay Mỹ năm nào xuống những làng mạc, cánh rừng Việt Nam trong chiến tranh. Vậy nhưng, hậu quả còn đây, với hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có 3 triệu người trở thành nạn nhân chất độc da cam mà Làng Hữu Nghị Việt Nam đang là một trong những nơi chăm sóc, chữa trị. Giám đốc Đinh Văn Tuyên cho biết: Hằng năm, Làng đón nhận, nuôi dưỡng, điều trị bệnh tật cho 60-80 CCB, TNXP và 120 cháu thiếu niên bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Qua từng giai đoạn lịch sử, với sự giúp đỡ hết lòng của Ủy ban Quốc tế và các Ủy ban Quốc gia về Làng Hữu Nghị, của Chính phủ Việt Nam, của Bộ Quốc phòng, của Hội CCB Việt Nam, các CCB và nhân dân cả nước, đến nay, cơ ngơi của Làng có nhiều thay đổi và hoàn thiện.

Cán bộ, nhân viên ở Làng mặc dù thu nhập chỉ ở mức 2,5-3 triệu đồng/tháng, nhiều khó khăn về nhà ở… nhưng các cán bộ, nhân viên của Làng luôn làm hết sức mình cho công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các nạn nhân. Thăm các nhà nuôi dưỡng, các lớp học từ lớp giáo dục đặc biệt, lớp cắt may, lớp vi tính, lớp hoa, lớp thêu… chúng tôi thực sự cảm phục trước tinh thần làm việc của các chị làm công tác bảo mẫu, giáo viên y tế, hậu cần… của Làng. Bên cạnh các cán bộ, nhân viên của Làng là hàng trăm đơn vị và cá nhân trong nước thường xuyên đến thăm, tặng quà cho Làng mỗi năm; hàng trăm đoàn quốc tế và cảm động nhất là có rất nhiều bạn quốc tế từ những người lớn tuổi đến các cháu học sinh đã đến với Làng để trồng rau sạch, làm cỏ, sơn tường, tắm rửa cho các cháu, để dạy tiếng Anh, dạy vi tính cho các nạn nhân chất độc da cam đang điều trị tại Làng, mang đến lòng nhân ái và hữu nghị, làm ấm lòng các nạn nhân chất độc da cam. Kết quả công việc ấy thể hiện sau mỗi lần điều trị tại Làng, các nạn nhân đều có sự thay đổi tích cực về sức khỏe và tinh thần, các cháu đã xóa được những mặc cảm tật nguyền, vươn lên trong học tập, sớm trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Nhiều cháu từ chỗ sống thực vật, sau một thời gian ở Làng đã biết đọc, biết viết và làm được một số công việc đơn giản như quét nhà, rửa bát; một số cháu được theo học các trường bên ngoài, có những cháu đã tốt nghiệp PTTH, đỗ đại học và cao đẳng; hàng trăm cháu học được nghề thêu, nghề làm hoa, sử dụng thành thạo máy vi tính, trở về gia đình và có thể tự nuôi sống bản thân. Hàng nghìn sản phẩm may, thêu, hoa của các cháu được đưa ra thị trường, được khách đến thăm giúp mua, đem lại nguồn gửi tiết kiệm và chia cho các cháu khi về ăn Tết với gia đình. Nhìn thấy sự tiến bộ của các cháu mà các cán bộ, nhân viên của Làng phấn khởi, quên đi những vất vả, khó khăn để chuyên tâm vào công việc.

Nắng xuân như nhuộm vàng khắp nơi. Tiếng thơm của Làng Hữu Nghị Việt Nam ngày càng lan tỏa, bay xa, trở thành biểu tượng của hòa bình và lòng nhân ái.

Bài và ảnh: Quốc Huy