Làng cổ Đường Lâm nhận giải thưởng di sản của UNESCO

Thành quả nổi bật nhất của dự án là bảo tồn thành công 5 công trình có giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa lịch sử ở làng cổ Đường Lâm là Cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, nhà thờ Giang Văn Minh, nhà cổ Nguyễn Văn Hùng và nhà cổ Hà Văn Vĩnh. Dự án này nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết dự án đã đạt được thành công trên nhiều mặt, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân địa phương.

Tuy nhiên, việc cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Hiện Việt Nam mới có hai làng cổ là Phước Tích (Thừa Thiên-Huế) và Đường Lâm (Hà Nội) được xếp hạng. Kinh nghiệm của các cơ quan quản lý địa phương trong việc bảo tồn loại hình di tích sống như Làng cổ Đường Lâm còn chưa được nhiều, do đó sẽ không tránh khỏi xung đột giữa việc bảo tồn di tích với đảm bảo quyền lợi của người dân sinh sống ở khu vực làng cổ.

Tại buổi lễ, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bà Katherine Muller Marin ghi nhận dự án bảo tồn thành công 5 công trình tại Đường Lâm đã trả lại cho các công trình tính chân thực, đảm bảo các công trình được duy trì bảo dưỡng thường xuyên bởi chính các nghệ nhân được đào tạo trong quá trình triển khai dự án.

Bảo tồn nhà cổ truyền thống tại Làng cổ Đường Lâm là dự án thứ năm của Việt Nam được nhận giải thưởng về di sản của UNESCO.

Nhìn chung, các dự án được giải thưởng đều đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật bảo tồn cao, huy động được sự tham gia của cộng đồng, góp phần nâng cao năng lực và công tác bảo tồn. UNESCO hy vọng sự thành công của dự án bảo tồn nhà cổ truyền thống tại Làng cổ Đường Lâm sẽ là nguồn cảm hứng cho các dự án bảo tồn của Việt Nam thời gian tiếp theo.

Giải thưởng Bảo tồn Di sản văn hóa được UNESCO thành lập năm 2000 nhằm công nhận, thúc đẩy đóng góp của các tổ chức và cá nhân thuộc khu vực tư nhân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Giải thưởng nhấn mạnh sự chung tay của các thành phần bảo vệ di sản trên ba tiêu chí lớn là chất lượng công trình bảo tồn, kỹ thuật bảo tồn và việc sử dụng các phương pháp bảo tồn này để xúc tiến các công trình khác.
TH