Lẫn

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Lẫn là không phân biệt được, nhận nhầm cái này ra cái khác”. Từ điển còn ví dụ khác về từ lẫn là cố ý nhầm như: Trộn lẫn gạo xấu vào gạo tốt; lẫn lộn vàng thau… Với người bị lẫn thật thì đúng là có khi ăn rồi mà cứ khăng khăng mình chưa ăn; nửa đêm gọi toáng lên đánh thức con cháu dậy đi làm…
Họ hàng nội ngoại, xa gần của cái sự lẫn là đãng trí, là nhớ nhớ quên quên… Nhiều chuyện nhớ nhớ quên quên của người già đến tức cười. Rõ ràng vừa kéo chiếc khăn mặt định đi tắm mà rồi để đâu tìm cấm thấy. Quay ra quay vào bần thần cả người. Hóa ra cái khăn đang vắt trên vai. Lại một ông mắt đang đeo kính mà cuống cuồng đi tìm kính. Lúc có người hỏi thế kính nào ông đang đeo kia. Ông ngớ người, ừ nhỉ. Còn như đãng trí thì, trong lịch sử nhiều nhà bác học thông thái có những công trình nghiên cứu vô giá nhưng có người còn lưu lại những chuyện cười chảy nước mắt về tính đãng trí của mình. Ai đã học qua phổ thông đều biết Acsimet với cái nguyên lý mang tên ông. Ông đã tìm ra nguyên lý về lực đẩy khi vào tắm trong bồn nước. Quá phấn khởi, ông nhảy ra khỏi bồn tắm trần truồng như nhộng trước mọi người, miệng hét toáng lên “Eureka” (tìm ra rồi).
Thời buổi bây giờ, do cuộc sống gấp gáp sao đấy mà nhiều vị thậm chí còn rất trẻ, không bệnh tật cũng không phải là nhà thông thái vậy mà thường đãng trí, nhớ nhớ quên quên. Thì đấy, đơn từ, kiến nghị, khiếu nại… của dân gửi các vị cho “đắp chiếu” trong ngăn kéo. Đi lại năm lần bảy lượt thì được giải thích với vô số lý do. Các vị này đã được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xếp vào hạng vô tích sự. Lại có vị khi tiếp xúc cử tri, trước những bức xúc của dân-mà bức xúc của dân thường chỉ là chuyện con cá lá rau-như điện đóm, cấp nước, thoát nước… đã hứa hẹn nghe thật mát lòng hởi dạ. Ấy vậy mà, lần gặp sau vẫn còn nguyên câu hỏi ấy. Giá như không giải quyết được thì cũng có lời giải thích để cử tri không phải ngóng cổ đợi chờ.
…Từ quên đến lẫn chắc cũng không xa. Tôi có một người bạn đồng hương già. Bà bị lẫn, con cháu thuê người giúp việc chăm sóc bà. Vậy mà bà lại coi người giúp việc là chủ. Thấy chị ta lau nhà, bà hốt hoảng: “Sao bà chủ làm thế, bà ngồi nghỉ đi để việc ấy cho cháu”… Khi mà lẫn đến mức chủ nghĩ mình là tớ, tớ lại được coi là chủ thì thật đã nặng quá rồi! Cũng chưa nặng bằng giờ đây có một bộ phận không nhỏ chưa già, không có bệnh tật mà cũng lẫn. Với họ, tớ thì tự coi mình là chủ, còn chủ thì bị coi là tớ. Ngẫm lại, trong Di chúc của mình, Bác Hồ từng căn dặn cán bộ, đảng viên phải là đầy tớ tận tụy, trung thành của nhân dân; lại đâm lo lắng giật mình.
Vậy đấy, đường xa nghĩ nỗi sau này mà lo!
Xuân Lộc