Lằn roi và lời dạy
Ngày trước, ở quê tôi, những vị “tuổi vị thành niên” như tôi đã là lao động chính trong gia đình.
Một trong những nghề tôi theo là nghề “đắp đồng”. Thực ra đây là nghề của các phụ huynh, vì họ mới có đủ tư cách pháp nhân để đấu (thầu) đồng, còn lứa như chúng tôi là làm thay họ.
Đắp đồng là canh nước ngọt ra vào hợp lý cho vụ chiêm ở các cánh đồng hoang (vùng nước lợ). Những người đắp đồng được hưởng hoa lợi thủy sản có trong nước ngọt đó. Đến mùa gặt chiêm họ lại được hưởng thêm lúa canh đồng .
Để làm được việc đó, đầu tiên là khi đồng còn khô và cả khi cho nước ngọt vào là lo bồi đắp các đê đập phân chia các cánh đồng bị nước lũ xói lở và một phần là do trâu bò qua lại dẫm nát. Rồi canh đồng không cho kẻ gian đánh bắt trộm thủy sản. Rồi canh vịt không cho chúng lội vào ăn lúa chín. Rồi lo chọn thời điểm thích hợp để đánh bắt thủy sản trong đồng nước ngọt mình canh. Mọi công việc trên đều rất nặng nhọc.
Nhóm đấu đồng thường khoảng 15 người, trong đó có vài vị thành niên. Dẫu chỉ có vài người, nhưng lại là lực lượng xung kích trong lao động, là những người lo việc bếp núc và cũng để những người lớn tuổi hơn sai bảo đủ thứ.
Tôi là một trong vài người đó. Do hầu rượu nên cũng được uống chút đỉnh, do hầu thuốc nên cũng được kéo hơi hưởng xái. Dần dà cũng biết xin thuốc lào để hút, rượu cũng được nhấm nháp khi thừa, lại được các ông bề trên “khích lệ”, nên lâu dần thành quen.
Thế mà có một lần tôi bị các ông bề trên chuốc đến say. Trên đường về nhà đi qua cánh rừng phi lao chắn gió bão, tôi xỉn đến mức kê đầu lên rễ một cây phi lao rồi lăn ra ngủ.
Không biết ai trông thấy, mách với cha tôi. Lập tức, cha tôi cầm cây roi to vào rừng tìm tôi. Khi thấy tôi, cha tôi cầm cây roi thúc tôi ngồi dậy. Không hiểu sao cha tôi không đánh ngay, mà đi lại vài vòng rồi gọi tôi bằng “anh” và nói: Khi nào anh tự làm ra tiền, đủ nuôi bản thân anh, rồi đủ nuôi vợ con anh, thì anh muốn uống rượu hay hút thuốc có thể hơn tôi cũng được! Còn bây giờ tôi cấm! Nói xong, cha tôi kê chiếc roi vào đầu gối và bẻ gãy, quẳng xuống chỗ tôi ngồi, rồi ra về.
Tôi ngồi bệt, hai tay bó gối và nghĩ: Đúng là mình đã làm ra tiền, nhưng tiền làm thay cha mà có, đây là tiền của cha của mẹ. Còn cha tôi có uống rượu, ở nhà trước bữa cơm cũng chỉ một chén mắt trâu, còn ở đình đám cũng không bao giờ quá ba chén mắt trâu. Thuốc chỉ hút khi ở nhà hay nơi người lao động, không bao giờ hút thuốc nơi công cộng.
Lúc này tôi mới cảm được càng kính trọng và thật sự thương cha hơn. Không những bởi cha trước đây là Chánh lãnh binh hàm Tam phẩm, khi Nhật đảo chính Pháp, cha về tham gia Tiền khởi nghĩa; tháng 8-1945, tham gia giành chính quyền, rồi làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời xã cho đến nay (thời điểm đó). Cha tôi được các đảng viên và nhân dân trong xã tín phục, bởi mọi việc dù lớn hay nhỏ bao giờ cha tôi cũng muốn gia đình mình phải gương mẫu thực hiện. Và cũng bởi cha tôi dằn lòng để không đánh tôi mà thay bằng những lời gạn từ trong tâm can của người. Tôi càng quý mến và xót xa nhận ra điều đó. Từ đó, tôi quên hẳn việc uống rượu và hút thuốc. Giả sử lúc ấy cha tôi giận và đánh tôi mấy roi thì không biết sau này sự việc sẽ ra sao!
Nay tôi đã là CCB, 90 tuổi, vẫn không hề thay đổi “tính” đó. Không hiểu sao việc tôi không uống rượu bia, không hút thuốc lào, thuốc lá nó nhẹ nhàng không cần phải hạ quyết tâm hay phải cố gắng để từ bỏ. Sau này, dù khi là dân công, là dân quân du kích, là TNXP, là bộ đội, là nhà giáo, là người hoạt động văn hóa, văn nghệ…, khi liên hoan, hay khi dự chiêu đãi, để lịch sự tôi chỉ nâng cốc lên rồi hạ xuống. Dù bạn bè nài ép, có lúc bị khiêu khích xếp tôi vào loại “mặc váy”, tôi vẫn không nản. Nhưng để cho hai bên thông cảm và dễ chấp nhận, tôi lấy lý do “tôi kiêng vì tôi có bệnh”.
Võ Giáp