Làm “sống” lại những vùng đất “chết”
*Chuẩn bị xử lý một lô mìn, vật nổ ở Hà Giang.
*
Theo Đại tá Đặng Xuân An-Chính uỷ Trung tâm thì Việt Nam là một trong số những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Ước tính, có tới 800.000 tấn bom, mìn còn sót lại nằm rải rác trên cả nước, ảnh hưởng đến 6,6 triệu ha đất đai, chiếm 20% diện tích cả nước. Đó là những hiểm hoạ ẩn sâu trong lòng đất, hằng ngày, hằng giờ có thể gây đau thương, mất mát cho những người dân vô tội. Thực tế, hơn 40 năm sau chiến tranh, bom mìn, vật nổ sót lại đã lấy đi sinh mạng của hơn 50.000 người, làm bị thương hơn 60.000 người, chủ yếu là lao động trụ cột trong gia đình và trẻ em.
Để làm sạch ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc, trong hàng chục năm qua, TTCNXLBM cũng như bộ đội công binh nói chung đã nỗ lực hơn rất nhiều lần so với khả năng. Đặc biệt, việc vô hiệu hoá bom mìn ở khu vực biên giới càng khó khăn, nguy hiểm, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở mà còn vì những bãi mìn ken đặc với nhiều loai mìn khác nhau, chỉ một chút lơ là, chủ quan thì hậu quả sẽ khôn lường.
“Từ năm 1975 đến 1990, đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Từ năm 1990 đến nay, hàng trăm người khác cũng đã hi sinh” - giọng Đại tá An chùng xuống.
Đối với những người lính ở TTCNXLBM, đi làm nhiệm vụ kéo dài đến 6-7 tháng mới về nhà một lần là chuyện bình thường. Những năm gần đây có điện thoại di động thì liên lạc dễ hơn, còn trước đây lâu lâu anh em mới ra điểm bưu điện xã gọi về gia đình. Mỗi lần như vậy, gia đình rất phấn khởi và yên tâm vì “chồng con mình còn an toàn” nhưng rồi sau đó lại lo lắng.
“Dù bố mẹ, vợ con không nói ra, nhưng chúng tôi biết họ luôn dõi theo bước chân của chúng tôi mỗi khi đi dò tìm, xử lý bom mìn. Họ chỉ thực sự thở phào khi chúng tôi về nhà bình an. Từ khi lựa chọn đời quân ngũ, anh em biết những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt, nhưng chưa bao giờ chùn bước, vì nhiệm vụ của người lính là bảo vệ cuộc sống bình yên cho cho nhân dân” - Đại tá An nói.
Hiểu rõ nhiệm vụ của mình, những người lính công binh sẵn sàng vượt khó khăn, nguy hiểm, đối mặt với tử thần ngay trong thời bình, làm “sống” lại những vùng đất “chết”.
Phong Nguyên