"Làm sâu sắc hơn về quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc" (12/03/2013)
Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã nhận được trên 6.500 lượt ý kiến của 92.400 người tham gia đóng góp tại các hội nghị và bằng văn bản. Đa số đại biểu đồng tình, qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Các đại biểu đánh giá cao các nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời góp ý thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm với những vấn đề cần làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn, nhất là các vấn đề về quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc…
Nhiều ý kiến tham gia đóng góp cụ thể vào các chương, điều, đề xuất những nội dung và lý do của việc cần sửa đổi, bổ sung; góp ý về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý của các bộ, ngành, tổ chức; chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương; bố cục, kết cấu, vị trí các chương, điều của Dự thảo Hiến pháp.
Cụ thể: Ở điều 57 cần khẳng định rõ hơn đất đai là sở hữu của toàn dân. Ở Điều 1 Chương I, nên đặt từ “độc lập” trước từ “dân chủ” và sửa là “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…”. Nên ghép Điều 20 và Điều 15 của Chương I thành một điều để tập trung vào quyền của công dân....
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó bí thư Tỉnh ủy cho biết những ý kiến đóng góp sẽ được Hội đồng Nhân dân tỉnh tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo đúng kế hoạch đề ra.
Chiều cùng ngày tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp) đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Nguyễn Văn Kiền chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Kiền nhấn mạnh, Liên hiệp và các tổ chức thành viên tổ chức triển khai việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách có trách nhiệm nhằm phát huy dân chủ, quyền và trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên đang công tác trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, góp phần hoàn thiện các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nói chung, cũng như quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà Liên hiệp là một tổ chức thành viên.
Giáo sư Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lập pháp, thành viên ban soạn thảo đã giới thiệu quan điểm và những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các đại biểu đã tập trung tham gia thảo luận, góp ý kiến về Lời nói đầu; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy Nhà nước; quy trình sửa đổi Hiến pháp..../.
Theo Vietnam+
(TH)