Làm rõ trách nhiệm vụ vi phạm ở chùa Trăm Gian (05/10/2012)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vừa kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu Sở, người phụ trách, người quản lý trực tiếp về những vấn đề cơ chế, tinh thần trách nhiệm cá nhân, ý thức phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ.

Theo đó, ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở, Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc Sở; Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Quản lý Di tích Danh thắng; Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản; Nguyễn Chí Giang - Trưởng ban Quản lý Dự án nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm; không xét các hình thức thi đua khen thưởng năm 2012.

Riêng hình thức xử lý ông Phạm Quang Long do UBND TP. Hà Nội quyết định.

Sở cũng xử lý kỷ luật đối với các cá nhân ông Trường Thành - Trưởng phòng Nghiệp vụ cơ sở, Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thanh - cán bộ phụ trách huyện Chương Mỹ thuộc Phòng Nghiệp vụ cơ sở, Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội hình thức khiển trách.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm buông lỏng quản lý của các cá nhân, đơn vị dẫn đến việc vi phạm tại chùa Trăm Gian.

Thống nhất phương án phục dựng gác Khánh, nhà Tổ

Ngày 3/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Viện Bảo tồn di tích, Hội đồng tư vấn và các đơn vị liên quan về việc phục dựng nhà để Khánh - Trống (gác Khánh) và nhà Tổ tại chùa Trăm Gian.

Viện Bảo tồn di tích đề xuất phương án tu bổ, phục dựng gác Khánh theo mẫu kiến trúc trước khi hạ giải. Công trình sẽ kết hợp cả cấu kiện cũ còn tốt và các cấu kiện mới dựng lên (các cấu kiện mới được phục dựng theo nguyên mẫu cũ). Với các chân tảng đá, ngói lợp, sẽ sử dụng tối đa các thành phần cũ hiện còn, phần thiếu được thay thế bằng các sản phẩm phục chế theo mẫu cũ. Các phần trang trí trên mái sẽ căn cứ vào hồ sơ ảnh cũ để phục dựng.

Đối với nhà Tổ, do công trình trước khi bị tháo dỡ là dạng kiến trúc đơn giản, niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, không có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật, các cấu kiện còn lại hầu như đã hư hỏng hoàn toàn nên Viện kiến nghị phục dựng từng phần theo phương án giữ lại phần khung gỗ đã được làm mới, nghiên cứu phục dựng các thành phần nền, chân tảng, các bệ thờ và toàn bộ phần mái...

Đây cũng là phương án đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tại văn bản số 87/BC-SVHTTDL-QLDS ngày 14/9. Hội đồng tư vấn khẳng định các hạng mục nói trên không phải là hạng mục quan trọng nhất của di tích, tình hình không nghiêm trọng đến mức như dư luận phản ánh. Phương án phục dựng dựa trên cơ sở khoa học, có tính khả thi.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng ý với phương án phục dựng gác Khánh, nhà Tổ, đồng thời yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xem xét lại quy hoạch tổng thể chùa Trăm Gian, đồng thời rà soát hệ thống di tích đã xuống cấp nghiêm trọng cần được ưu tiên đầu tư trong năm 2013, sớm trình UBND TP phương án phân cấp quản lý di tích phù hợp hơn…

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đã có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, thống nhất phương án tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại chùa Trăm Gian theo đề xuất của Hội đồng tư vấn trên cơ sở bảo tồn tối đa các yếu tố có giá trị lịch sử, mỹ thuật. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội lập thiết kế tu bổ, tôn tạo gác Khánh, nhà Tổ và bậc cấp trình UBND TP Hà Nội và Bộ xem xét, quyết định./.

A Hoàng