Ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ 7, Quốc Hội khóa XII, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và về dự án Luật Tố tụng hành chính

Sáng ngày 4-6, đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, các đại biểu cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, còn những mặt cần xem xét, rút kinh nghiệm.** **Đa số các đại biểu đều đề nghị quan tâm tập trung hơn những dự án liên quan đến các vấn đề quan trọng, bức xúc của đời sống xã hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác xây dựng pháp luật cần phải dựa vào yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Để hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị cũng như triển khai tổ chức thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo việc triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay sau khi chương trình được thông qua; bảo đảm tính ổn định của chương trình, chỉ điều chỉnh trong trường hợp thật cần thiết và việc điều chỉnh phải tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần dành thời gian thỏa đáng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; sớm phân công cơ quan soạn thảo các dự án mới được đưa vào chương trình…

Về việc sửa đổi Nghị quyết 66 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình việc nâng quy mô vốn đầu tư của dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội quyết định từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng, vì việc áp dụng trong thực tế không còn phù hợp do quy định vốn đầu tư được tính theo thời giá năm 2006.

Một số ý kiến cho rằng, đối với dự án, công trình mà công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (từ 51% trở lên) tham gia đầu tư, việc xác định tỷ lệ 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng vốn đầu tư dự án, công trình sẽ rất khó, bởi nguồn vốn đầu tư chưa hoàn toàn là vốn nhà nước hoặc có nguồn gốc vốn nhà nước.

Đối với các dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài, nhiều đại biểu cho rằng điều quan trọng nhất là Quốc hội phải giám sát lượng vốn ngoại tệ sẽ mang ra ngoài đầu tư, chứ không phải là quy mô dự án lớn bao nhiêu, bởi vấn đề này liên quan đến cân đối ngoại tệ quốc gia. Một số đại biểu khác nhận xét, với các dự án đầu tư ra nước ngoài, tiêu chí về đánh giá rủi ro cũng là rất quan trọng.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đặt vấn đề, có thể chia nhỏ một luật lớn trong Chương trình là Luật Đất đai ra để làm từng phần. Chẳng hạn, có thể tách lĩnh vực bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng thành 1 luật riêng để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) nhận xét, trong nhiệm kỳ Quốc hội này, các dự án luật được trình ra Quốc hội chủ yếu là từ nhu cầu của cơ quan trình luật, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nhiều luật chưa cần thiết vẫn đưa vào chương trình gây tốn thời gian của Quốc hội. Một khi vấn đề tích tụ đất đai chưa được giải quyết trong Luật Đất đai, nhiều vấn đề vướng mắc sẽ không được tháo gỡ, chẳng hạn như liên kết “4 nhà” sẽ khó phát huy hiệu quả.

Đại biểu Phạm Phương Thảo (TPHCM) có cùng quan điểm khi cho rằng Luật Đất đai cần sớm sửa đổi vì có nhiều vấn đề liên quan đến đời sống người dân, quy định bất hợp lý gây khiếu nại tố cáo. Hiện đất nông nghiệp đang mất rất nhanh, chỉ trong 8 năm qua đã mất 255.000 ha. Vì vậy, nên chăng phải có tiêu chí về sử dụng đất nông nghiệp

Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đánh giá công tác chuẩn bị nhiều dự án khá tốt, tuy nhiên còn có nhiều dự án phải lùi thời hạn trình, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo, trách nhiệm cơ quan thẩm tra, đồng thời vai trò đóng góp của các đoàn đại biểu Quốc hội cũng còn hạn chế, chưa đầy đủ.

Với góc nhìn của một người đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Văn Chiến (Lai Châu) cho rằng cần công bằng hơn trong đánh giá. Theo đại biểu, trước đây, công tác thẩm tra thường gặp khó khăn do thời gian quá gấp rút nhưng nay, công tác phối hợp giữa các UB, giữa UBTVQH và Chính phủ tốt hơn, sớm hơn, tạo điều kiện để các ủy ban có những thẩm tra đảm bảo chất lượng. Các dự án trình cũng đảm bảo chất lượng hơn, nội dung kỹ hơn, thời gian trình sớm hơn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) nêu ý kiến, cũng cần có sự thông cảm với Chính phủ và căn cứ vào thực tiễn thể chế của Việt Nam trong khi đánh giá về việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy thế, đại biểu cũng đề nghị chỉ nên rút dự án luật trong trường hợp bất khả kháng, nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm “giữ cửa” của Bộ Tư pháp trong thẩm định các dự án.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai (Bình Phước) và nhiều đại biểu, bên cạnh làm luật mới cũng cần chú ý tới việc đánh giá những luật đã ban hành, đề ra được những giải pháp mới để khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.
Chiều 4-6, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố tụng hành chính.
Đa số ý kiến của các đại biểu đều tán thành với việc nâng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính lên thành Luật Tố tụng hành chính. Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính trong những năm qua cho thấy các quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế và bất cập. Với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, cùng với việc Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc pháp điển hoá các quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết các khiếu kiện hành chính, cụ thể hoá các cam kết của Việt Nam là rất cần thiết.

Nhiều ý kiến đánh giá với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính, một bên là cá nhân, tổ chức, còn bên kia là cơ quan nhà nước, việc xây dựng và ban hành Luật tố tụng hành chính sẽ bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

THANH LÂM