Làm khoa học cũng như nấu những món ăn
Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia trao Giải thưởng Kovalevskaia cho GS.TS Lê Minh Thắng Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Giải thưởng Kovalevskaia 2022 của cá nhân đã được trao tặng nhà khoa học nữ, GS. Lê Minh Thắng, Giảng viên cao cấp bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hoá dầu, Viện Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Người phụ nữ làm khoa học này đã ví công việc nghiên cứu của mình như nấu những món ăn
Tạo sức sống cho những sản phẩm vì môi trường
GS. Lê Minh Thắng, nhân vật được vinh danh Giải thưởng Kovalevskaia 2022 - Giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng tại Việt Nam, có dáng vẻ bên ngoài rất mộc mạc. Nhưng trong câu chuyện cuốn hút của mình, có lúc chị cho tôi thấy người làm khoa học như “kẻ mộng mơ" với những công trình nghiên cứu.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt hàng chục nghiên cứu về môi trường và hàng trăm bài báo khoa học của GS. Lê Minh Thắng là “Chất xúc tác”. Ví dụ như đề tài có tính ứng dụng cao là“Tìm kiếm xúc tác mới có hiệu quả để xử lý khí thải xe máy” giai đoạn 2009 - 2013.
GS. Lê Minh Thắng cho biết: “Trên thế giới, xúc tác xử lý khí thải động cơ đốt trong đã được nghiên cứu từ lâu và đưa vào ứng dụng rộng rãi. Bộ xúc tác này chế tạo từ Pt, Pd, là những kim loại hiếm và đắt tiền, không phù hợp để áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt với các dòng xe máy thông thường, nhiều xe đã sử dụng lâu năm. Vì vậy, tôi và nhóm nghiên cứu đặt vấn đề chế tạo những bộ xúc tác từ hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp để thay thế cho kim loại quý. Xúc tác từ hỗn hợp các oxit kim loại chuyển tiếp có giá thành thấp hơn nhiều, dễ dàng ứng dụng cho các nước đang phát triển như ở Việt Nam, nơi có nhiều xe máy đã qua sử dụng lâu năm, chi phí thấp”.
Kết quả, các xúc tác này giá thành tốt hơn rất nhiều nhưng hiệu quả xử lý tương đương với xúc tác thương mại sử dụng cho xe ô tô và được nhập ngoại. Xúc tác đã được lắp đặt vào xe máy Vespa đã qua sử dụng và thử nghiệm tại Cục đăng kiểm Việt Nam.
Bên cạnh đó, GS. Lê Minh Thắng còn có các công trình nghiên cứu khác như xúc tác xử lý khí thải các quá trình đốt cháy nhiên liệu và tổng hợp hữu cơ; Xúc tác cho phản ứng oxy hóa chọn lọc propylen/propan từ khí tự nhiên, khí đồng hành, khí từ các nhà máy lọc dầu thành các sản phẩm trung gian có giá trị ứng dụng; xúc tác quang hóa xử lý các hợp chất hữu cơ và kim loại nặng trong nước thải... được đánh giá cao.
Năm 2021, GS. Lê Minh Thắng là một trong 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam vinh dự đoạt giải Sáng tạo xuất sắc - Giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi với công trình "Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước".
GS. Lê Minh Thắng cho biết: “Công trình nghiên cứu này đã đưa ra giải pháp tiết kiệm chi phí để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Các chất xúc tác có thể giảm hơn 90% phát thải chất gây ô nhiễm, ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt và có tuổi thọ cao. Chúng tôi đã bước đầu thương mại hóa sản phẩm với một số nhà máy trong công nghiệp có sử dụng các quá trình đốt cháy nhiên liệu, xúc tác lắp đặt có hiệu quả cao, thời gian làm việc lâu bền”.
GS. Lê Minh Thắng tâm sự: “Làm khoa học cũng như nấu những món ăn. Trước khi vào bếp thì phải chuẩn bị nguyên liệu. Khi thành phẩm, món ăn có thể ngon hoặc dở. Nếu ngon thì coi như thành công, còn dở thì lại tìm cách nấu lại. Thậm chí, có những lần làm ra thành công ngoài sự mong đợi”.
Bằng cách nói giàu hình ảnh này, GS. Lê Minh Thắng không ngần ngại khẳng định, phụ nữ làm khoa học thực sự là người mộng mơ. Bởi niềm vui, sự mơ mộng nằm ở trong hành trình tìm tòi và thử nghiệm để đến một hoặc nhiều kết quả. Đó là một trải nghiệm đầy cảm xúc đan xen.
Giữ tròn vai
Là cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và gắn bó với công tác giảng dạy từ khi tốt nghiệp đại học, GS. Lê Minh Thắng luôn tự hào được trưởng thành từ môi trường nghiên cứu khoa học năng động. GS. Lê Minh Thắng cho biết: “Công trình nghiên cứu trong hồ sơ Giải thưởng Kovalevskaia của tôi là kết quả một quá trình lâu dài với các thế hệ sinh viên tham gia thực nghiệm, nghiên cứu. Chính các em đã góp phần to lớn nhất vào các thành công trong nghiên cứu của tôi. Còn với các em, đó chính là nơi tốt nhất để các em rèn luyện kỹ năng và kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp đại học”.
Thành công với giảng dạy, nghiên cứu khoa học, GS. Lê Minh Thắng còn được tín nhiệm tham gia công tác quản lý với vai trò Chủ tịch Hội đồng trường đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020. Bằng phương pháp luận của người làm khoa học, GS. Lê Minh Thắng đã nghiên cứu mô hình Hội đồng trường trên thế giới và tìm cách phát triển mô hình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, cụ thể là Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ở một vai khác, GS. Lê Minh Thắng được biết đến là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban chấp hành Hội nữ trí thức Việt Nam. Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách Khoa Hà Nội là nơi khơi dậy phong trào nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm trong các nữ hội viên, đồng thời đóng góp tích cực vào việc khơi dậy niềm đam mê khoa học cho sinh viên.
Nói về những hoạt động này, GS. Lê Minh Thắng cho biết: “Đại học Bách khoa Hà Nội luôn có những người phụ nữ làm khoa học xuất sắc nhưng còn ít tham gia vào các giải thưởng. Nhưng những nhà khoa học nữ cũng có những sân chơi riêng mà đó có thể là động lực để phong trào nghiên cứu khoa học được nhân rộng. Từ đó, những công trình khoa học được cộng đồng biết đến”.
Nhiều người rất tò mò về đời sống của những người làm khoa học, đặc biệt là nữ giới. Hai con của chị đều yêu thích và có xu hướng đi theo con đường khoa học.
GS. Lê Minh Thắng kể, tình yêu với khoa học, với công nghệ với các con được bồi đắp bởi những lần tranh thủ sửa những đồ án của sinh viên trong khi nấu cơm… “Tôi đọc, bọn trẻ cũng xem cùng. Không hiểu thì chúng hỏi mẹ", GS. Lê Minh Thắng nói.
GS. Lê Minh Thắng cho rằng chị đã may mắn khi có sự ủng hộ từ gia đình và nhà trường để bản thân được bền trí đeo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Theo chị, những gì kết quả nghiên cứu đạt được vẫn còn nhỏ so với mong muốn cá nhân. GS. Lê Minh Thắng muốn đi đến tận cùng của những đề tài dang dở, dù có thể thất bại nhưng đó cũng là cách dấn thân của một người phụ nữ làm khoa học.
Báo Tin tức