Làm giàu từ vùng chiêm trũng
Cựu chiến binh Khương Hữu Niên (đứng giữa) giới thiệu về mô hình trang trại của gia đình.
Dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại xanh mát, dưới ao là cá, trên bờ là cây, con..., CCB Khương Hữu Niên tâm sự: Tôi nhập ngũ ngày 28-9-1966, sau được biên chế về Đoàn 248, Bộ đội Trường Sơn. Đất nước thống nhất, tôi phục viên trở về địa phương và nên duyên cùng người con gái Lê Thị Chuyền, năm 1976.
Cuộc sống khó khăn, không cam chịu đói nghèo, CCB Khương Hữu Niên đã cùng vợ ra vùng chiêm trũng bìa làng để khai hoang cải tạo làm kinh tế, nuôi 3 người con ăn học.
Nhưng mọi việc đâu có dễ dàng như thế! Vừa trầm ngâm nhâm nhi cốc cà phê ông vừa nhớ lại những ngày đầu vợ chồng ông lập nghiệp trên vùng đất này: “Ông cha không để lại cho tôi mảnh đất vuông vắn, ao nọ ao kia rồi chuồng nọ chuồng kia như thế này đâu. Vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng, hằng ngày 2 vợ chồng cứ đeo 2 cái giỏ bên hông đi nhặt cỏ lác, cỏ năn... mọi người tưởng mình đi bắt ốc, nhưng có phải đâu. Cỏ nhiều đến nỗi con trâu lội xuống, chân vướng phải cỏ thì con trâu cũng không đi được”.
Đến năm 2004, ông Niên được chính quyền đồng ý cho đấu thầu vùng chiêm trũng rộng gần 1,4ha để phát triển kinh tế. “Trước vợ chồng tôi khai hoang, làm nhỏ lẻ để kiếm đủ cơm nuôi các con, từ khi được chính quyền cho đấu thầu đất để phát triển kinh tế tôi mới mạnh dạn vay vốn làm trang trại một cách quy mô, bài bản”- CCB Khương Hữu Niên cho biết.
Khi được chính quyền cho đấu thầu đất, ông đã bàn với vợ, vay mượn anh em, bạn bè gần 400 triệu đồng để đầu tư đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Tôi hỏi cô Lê Thị Chuyền về quyết định của chồng khi vay số tiền lớn để làm trang trại, cô chia sẻ: “Khi đó, tôi cũng rất lo lắng! Bởi với số tiền 400 triệu lúc đó đối với nông dân chúng tôi lớn lắm nên nếu thất bại thì vợ chồng tôi có làm cả đời cũng không trả hết nợ. Nhưng thấy ông ấy đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi và luôn khát khao làm giàu từ trang trại nên tôi yên tâm và ủng hộ hết lòng”.
Có vốn, vợ chồng ông Niên làm ngày, làm đêm cải tạo, quy hoạch lại khu trang trại. Mặt khác, ông tích cực đọc thêm các tài liệu về nuôi trồng thủy hải sản, trồng cây ăn quả, tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức để bổ sung kiến thức cho mình.
Đất chẳng phụ công người, chỉ 5 năm sau, vợ chồng ông đã trả hết được số nợ vay và không ngừng mở rộng quy mô trang trại. Hiện ông quy hoạch trang trại với 4 ao thả cá, diện tích hơn 0,6 hecta, diện tích còn lại là vườn cây ăn quả, chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong làm trang trại, CCB Khương Hữu Niên nói: Chủ yếu phải tự nghiên cứu, mày mò và thử nghiệm! Ví như trồng cây cau, thấy tôi trồng cau, mọi người bảo bây giờ còn ai ăn trầu mà trồng cau, chắc ông này có vấn đề; nhưng mỗi năm cây cau cho tôi thu nhập trên 30 triệu đồng, trong khi đó cây cau tôi không phải chăm sóc gì, tôi đi chơi cả tháng cau cũng lớn, tôi đi ngủ cau cũng ra ra hoa ra quả; còn đối với con gà, con lợn tôi không cho nó ăn một, hai ngày là nó chết rồi.
Ngoài cây cau, vườn của ông còn rất nhiều cây khác, đặc biệt cho thu nhập cao là cây bưởi Diễn. Với 100 gốc bưởi Diễn, mỗi năm đã đưa lại nguồn thu 200 triệu đồng. Đối với cá, sau nhiều năm nghiên cứu thả các loại cá, hiện ông duy trì thả cá mè và cá diếc, cho nguồn thu ổn định hơn 50 triệu/năm. Ngoài ra, ông còn nuôi 100 con gà đẻ, 300 gà thịt và hơn 100 đôi bồ câu cho nguồn thu thường xuyên.
Giờ đây, đã ở tuổi thất tuần, CCB Khương Hữu Niên vẫn hay say lao động, vừa là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, vừa là địa chỉ tin cậy để các CCB trong tỉnh, trong huyện đến học tập, trao đổi kinh nghiệm làm già.
Vũ Minh