Tương Dương là huyện có lợi thế về phát triển trồng rừng, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn hiện có 253.000ha, chiếm 90% diện tích tự nhiên. Đề án trồng rừng giai đoạn 2015 - 2020 được triển khai tại địa bàn 17 xã với mục tiêu trồng 4.700ha. Theo thống kê, đến năm 2016 toàn huyện đã trồng được 1.470ha, từ đầu năm 2017 đến nay tiếp tục cấp phát được trên 1 triệu cây giống cho bà con.
Để thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2016, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã cấp giống cây nào trồng cây đó và tạo được phong trào trồng rừng sâu rộng trên địa bàn.
Chúng tôi men theo những triền đồi tìm về xã Yên Hòa, rất vui mừng khi thấy diện mạo của vùng quê nghèo đang thay đổi tích cực, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên đâu đâu cũng xanh bạt ngàn rừng trồng, chỗ đã đến kỳ thu hoạch, chỗ cây mới được 1 đến 2 năm tuổi, đang căng tràn nhựa sống...
Đây là một trong những xã trước đây thuộc nhóm khó khăn nhất của huyện Tương Dương. Những năm gần đây nhờ trồng rừng, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên khá, giàu.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Mộng Văn Xính - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, cũng là một trong những hộ trồng keo trên địa bàn cho biết: Nhờ cây keo mà đời sống người dân được nâng lên. Các hộ trồng keo có mức thu nhập gấp 2-3 lần làm nương rẫy, trồng lúa, có nhiều hộ đã giàu lên nhờ trồng được nhiều keo. Keo là một loại cây trồng trên đất đồi rừng, chỉ trồng và thu hoạch, ít phải chăm sóc.
Còn gia đình ông Nguyễn Cảnh Sơn ở xóm Làng Mỏ, xã Tam Quang, năm 2015 sau khi được hỗ trợ giống ông đã chuyển toàn bộ 7ha đất trước đây trồng ngô, sắn sang trồng keo. “Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng keo do các cấp tổ chức, diện tích keo được gia đình chăm sóc phát triển tốt. Theo tính toán, một chu kỳ trồng keo mất hơn 5 năm, với diện tích 7ha, sau 3 năm nữa gia đình sẽ thu gần 500 triệu đồng” - ông Sơn phấn khởi cho biết.
Bà Kha Thị Hiền - Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang kể lại phong trào trồng rừng mấy năm trước bị chững lại là do khó khăn đầu ra, bởi Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng - đơn vị bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng trên địa bàn phá sản. Từ khi việc trồng rừng được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, diện tích rừng trồng tăng khá nhanh. Sau 2 năm triển khai, đến nay đã tăng thêm 600ha, chủ yếu là trồng keo. Kinh tế rừng đã khẳng định vai trò quan trọng, thực sự là sinh kế của người dân nơi đây.
Vũ Minh