Làm gì khi test nhanh dương tính nCoV?
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyên người tự test nhanh tại nhà kết quả dương tính cần bình tĩnh, liên hệ y tế để khai báo, không tự đến bệnh viện.
Hướng dẫn được bác sĩ Tuấn đưa ra ngày 28-12, trong bối cảnh Hà Nội ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm mới/ngày trong gần 2 tuần qua. Nhiều F0 test nhanh dương tính không liên hệ được y tế phường hoặc phải chờ lâu, không được hướng dẫn hay cấp phát thuốc. Họ tự đến bệnh viện hoặc lên mạng hoặc hỏi người từng nhiễm để mua thuốc điều trị tại nhà.
Bác sĩ Tuấn khuyên nên đeo khẩu trang ngay, không tiếp xúc với người khác và tự cách ly tại nhà khi có test nhanh dương tính. Sau đó, gọi điện báo kết quả xét nghiệm cho tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế phường hoặc trung tâm y tế nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn. Cán bộ y tế sẽ đến lấy mẫu để xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR và có phương án xử trí tiếp theo.
Trong khi chờ cơ quan y tế địa phương cử cán bộ để tiếp cận, F0 không tự đến các bệnh viện do có thể gây lây nhiễm bệnh trên diện rộng và tại cơ sở y tế, từ đó có thể gây quá tải bệnh viện. Nếu F0 nhẹ, không có triệu chứng, đều được cách ly điều trị tại nhà hoặc trạm y tế lưu động.
“Người nhà hãy động viên, tham khảo các hướng dẫn cho F0 tại nhà để chăm sóc, giảm tâm lý hoang mang, lo lắng cho người bệnh trong khi chờ cơ quan y tế” - bác sĩ Tuấn nói. Nếu F0 chưa được hỗ trợ trong thời gian dài hoặc có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở, thở hụt hơi, nhịp thở tăng, trẻ em thở bất thường, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào, SpO2 (chỉ số nồng độ oxy trong máu) dưới 95%, người thân cần liên hệ lại ngay với trạm y tế hoặc trung tâm y tế.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị đề nghị F0 khỏe mạnh và F1 có nguy cơ cao chuẩn bị khoảng 5 bộ test nhanh tại nhà để tự xét nghiệm ba ngày một lần hoặc khi có triệu chứng. Mỗi nhà nên có vài chai nước muối và một chai nước súc họng do bác sĩ chỉ định, súc họng nhiều lần trong ngày; chuẩn bị thuốc trị cảm cúm, vitamin C; cồn 70 độ nhằm vệ sinh các bề mặt tiếp xúc trong phòng.
Khi cách ly tại nhà, hãy mở cửa sổ để nhà thông thoáng, tự lắng nghe và theo dõi cơ thể bằng cách đếm mạch, đo nhiệt độ, đo SPO2 (nếu có máy), chú ý các triệu chứng sốt, ho, cảm giác thở khó... Bác sĩ Khiêm khuyên F0 và F1 nên uống nhiều nước hoa quả, tập vận động trong nhà, đứng trước cửa sổ tập thở như hít thật sâu, thở ra chậm. Mọi người không nên lo lắng, giữ tinh thần lạc quan để đạt hiệu quả điều trị.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội công bố số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, tổng đài 1022 để người dân liên hệ và cung cấp thông tin.
Số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch: 0969.082.115 - 0949.396.115
Tổng đài 1022:
Nhánh 1 (bấm phím 1): Kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115;
Nhánh 2 (bấm phím 2): Kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội;
Nhánh 3 (bấm phím 3): Tiếp nhận thông tin liên quan đến F0 điều trị tại nhà và tư vấn y tế về phòng, chống dịch Covid-19;
Nhánh 4 (bấm phím 4): Kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch Covid-19;
Nhánh 5 (bấm phím 5): Kết nối đến Sở LĐTBXH để được giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội;
Nhánh 6 (bấm phím 6): Kết nối đến Ủy ban MTTQ Việt Nam T.P Hà Nội để yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19;
Nhánh 7 (bấm phím 7): Kết nối đến Sở TT&TT để hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Thùy Linh