Vi khuẩn HP có tên đầy đủ là Helicobacter Pylori. Đây là tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày cấp, mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày... Theo một nghiên cứu mới công bố gần đây, tỷ lệ người Việt Nam nhiễm khuẩn HP lên đến 70%. Người nhiễm vi khuẩn HP thường có triệu chứng: Đau bụng, buồn nôn, đầy bụng, chán ăn, ợ hơi, hôi miệng… làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thường ngày.

Vi khuẩn HP lây qua 3 con đường chính

Lây qua đường ăn uống: Đây là con đường dễ lây lan nhất của vi khuẩn HP này. Vi khuẩn HP có trong nước bọt và cao răng nên khi dùng chung bàn chải đánh răng, bát đũa, thìa có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Một số hành động như mớm cơm, hôn cũng có thể bị lây nhiễm.

Không rửa tay sau khi đi vệ sinh: Trong phân của chúng ta có một lượng vi khuẩn HP khá cao. Những người không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh có thể bị lây lan hoặc nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, các loại động vật như ruồi, gián, chuột cũng có thể là tác nhân trung gian lây truyền vi khuẩn HP.

Con đường y tế: Trong quá trình nội soi, nếu đầu dò nội soi không được vệ sinh sạch sẽ có thể làm lây lan vi khuẩn HP từ người nhiễm HP sang người lành.

Tác hại của vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP thường tồn tại lâu dài trong dạ dày bệnh nhân. Thông thường nó sẽ phối hợp với các tác nhân có hại như căng thẳng, bia rượu để gây ra các bệnh về dạ dày.

Trên niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP sản sinh ra catalase khiến cho niêm mạc dạ dày bị phá hủy từ từ có thể làm cho người nhiễm mắc viêm loét dạ dày hay làm các bệnh tiến triển xấu hơn. Người nhiễm vi khuẩn HP, nếu không được điều trị dứt điểm nó có thể gây ung thư dạ dày. Đây chính là mối nguy hiểm lớn nhất mà loại vi khuẩn này gây ra.

Cách xử trí khi bị nhiễm vi khuẩn HP

Mặc dù vi khuẩn HP có thể lây lan nhưng không phải ai nhiễm khuẩn HP cũng mắc bệnh dạ dày và bệnh dạ dày cũng không ngay lập tức ảnh hưởng tới tính mạng. Chính vì vậy không nên có tâm lý quá nặng nề khi trong gia đình có người nhiễm khuẩn này. Điều chúng ta cần làm là có những biện pháp để chữa trị tốt cho người bị nhiễm và ngăn chặn lây nhiễm HP sang các thành viên trong gia đình. Dưới đây là các biện pháp được khuyến cáo:

Đối với những gia đình có người bị bệnh lý dạ dày do nhiễm khuẩn HP đang phải điều trị thì nên xét nghiệm kiểm tra cho tất cả các thành viên trong gia đình. Phương pháp xét nghiệm đó là nội soi dạ dày đối với những người có triệu chứng đau dạ dày hoặc test thở đối với những người chưa có biểu hiện bệnh.

Những người có chỉ định điều trị cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị để tiệt trừ triệt để vi khuẩn HP (tránh nhờn thuốc), giúp khỏi bệnh và loại bỏ nguồn lây nhiễm trong gia đình.

Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình nên sử dụng riêng dụng cụ ăn uống và giữ gìn vệ sinh môi trường sống thật tốt để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP.

Thành An