Làm gì khi bị sốc ma túy?

Một thanh niên vẫn còn phải thở máy tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo các bác sĩ, sốc ma tuý là tình trạng người sử dụng ma túy quá liều lượng trung bình mà họ đang sử dụng, hoặc sử dụng ma túy chung với một số chất kích thích khác như: rượu, thuốc an thần...

Việc xuất hiện nhiều ca ngộ độc cấp tính loại ma túy đá amphetamine là một sự cảnh báo rất lớn cho những người sử dụng ma tuý. Bởi chất độc này tấn công trực tiếp vào tim mạch gây tổn thương tim, tấn công thận gây suy thận, tấn công hệ thần kinh...

Theo Ths., BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), người bị sốc thuốc thường có các dấu hiệu sau: Bất tỉnh hoặc không có phản ứng gì khi lay gọi. Thở chậm hoặc ngưng thở, nhịp tim không đều. Người lạnh, thân nhiệt thấp, da tái xanh.

Khi gặp người sốc thuốc, cần: Gọi xe cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Trong khi chờ xe cấp cứu hoặc nhân viên y tế đến hỗ trợ thì sơ cứu tại chỗ cho người bị sốc thuốc bằng các bước sau:

  • Duy trì hơi thở cho người bị sốc thuốc bằng cách nới lỏng quần áo, khai thông hết các đường thở, lấy tất cả dịch có trong miệng, mũi...; đặt họ vào nơi thoáng mát và nằm ở tư thế hồi sức (là tư thế nằm nghiêng một bên, co một chân lên).

  • Nếu người bị sốc thuốc đã ngừng thở nhưng mạch vẫn còn đập, cần làm hô hấp nhân tạo, ấn vùng giữa ngực của người bị sốc thuốc 30 lần cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế hoặc người bị sốc thuốc có thể tự thở trở lại.

Chú ý: Không tự ý chích bất kỳ thứ gì vào ven người bị sốc thuốc, kể cả nước muối, sữa, hay chất ma túy khác. Không đổ nước lạnh hay tát mạnh vào người bị sốc thuốc.

Bác sĩ Nguyên cảnh báo: “Các bạn trẻ, hãy tránh xa ma tuý, tránh xa môi trường có thể dẫn đến lạm dụng ma túy bởi nó chỉ không ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự nghiệp, tương lai sau này mà có thể tước đi mạng sống bất cứ lúc nào, nếu bị ngộ độc cấp tính. Bởi chất độc gây tác động lên hệ thần kinh, tim mạch, các cơ quan nội tạng của cơ thể”.

Thành An