Làm gì khi bị rắn cắn?

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau nên tùy theo loại rắn độc mà chúng ta có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: Sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là cứ loay hoay ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở...) thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Sau khi bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu thực sự để được xử lý kịp thời.

Sơ cứu khi bị rắn cắn:
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thì các bước sơ cứu nên làm là: Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng; không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp, vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn.
Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường
Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế, đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không sử dụng các biện pháp, như cố gắng hút nọc độc của rắn; trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; gây điện giật, chườm đá, thuốc dân gian, hay chữa bằng mẹo; cố gắng bắt hoặc giết rắn... Tất cả các biện pháp đó đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.
Cũng theo các chuyên gia, mặc dù trong hai họ rắn thường gặp ở nước ta, rắn hổ có thể chủ động tấn công người nhưng trên thực tế, phần lớn các trường hợp bị rắn cắn là do con người chủ động bắt rắn hoặc trêu rắn (vô tình hoặc cố ý làm cho rắn cảm thấy bị đe doạ).
Trong lao động để hạn chế bị rắn cắn, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp, như: Biết về loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp. Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa; đi ủng, dày cao cổ mặc quần dài; không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất; không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn...
THÀNH AN