CCBVN - Không biết từ ai, từ bao giờ mà nhiều cán bộ cấp sở, ngành của Thành phố Hà Nội mấy năm nay hãy cứ phát biểu “vo” là rất hay dung từ “câu chuyện. Ví dụ: Câu chuyện lấn chiếm vỉa hè; câu chuyện cán bộ điều về sở A, sở B; câu chuyện bình ổn giá; câu chuyện gái mại dâm; câu chuyện tái cấu trúc ngành hải sản…
Mà từ “câu chuyện” dường như chỉ dành riêng cho một đối tượng cán bộ; “quan trên” thì không rồi, nhưng dân chúng tôi cũng cấm thấy anh xe ôm, chị bán hàng rong nào nói, học sinh, sinh viên cũng không dùng. Kể cả gần đây có “lây” sang một số cuộc họp của cơ quan trung ương, nhưng cũng chỉ cỡ cấp vụ, cấp phòng nói. To hơn có lẽ là ông Phó Tổng thanh tra Chính phủ vừa dùng trong buổi họp báo của ngành cuối tuần trước: “câu chuyện bẻ cong đường Trường Chinh…”.
Phải nói ngay rằng từ “câu chuyện” dùng trong những hoàn cảnh trên thì không sai, nhưng không phải là nghiêm túc, nhất là nhiều người dùng, lại dùng lặp đi, lặp lại nhiều lần trong một cuộc nói chuyện nên nhàm, người nghe rất khó chịu.
Xã hội có chuyện, thấy người nổi tiếng mặc trang phục kiểu này, để tóc kiểu kia, thế là đám đông “a dua” làm theo, nhìn rất lố, vì y phục không xứng kỳ đức. Nếu từ “câu chuyện” được dùng nhiều cũng giống như mặc trang phục theo mốt của người nổi tiếng thì kể cũng buồn! Một nhà ngôn ngữ học đã cảnh báo, kiểu lạm dụng dùng từ “câu chuyện” nếu không sớm được nhận ra để khắc phục thì “câu chuyện” vốn là “danh từ chỉ sự việc hoặc chuyện được nói ra” có nguy cơ trở thành “tiếng lóng” (tiếng lóng mang tính khẩu ngữ, là ngôn ngữ phi quy thức của một nhóm xã hội nên nó tương đối suồng sã)

  • Từ ngữ nếu dùng đúng, đủ thì sẽ đem lại hiệu quả, nếu lạm dụng thì sẽ phản tác dụng - GS.TS Nguyễn Văn Khang, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cũng lưu ý như vậy./.

Huy Thiêm