Làm “biệt thự” ở Trường Sơn đón nhà thơ Tố Hữu
Đêm đó, tôi thiết kế xong nhà mẫu, tính toán nguyên vật liệu, nhân công... Sáng hôm sau cùng tổ trinh sát chọn dãy đồi thấp ở phía tây sông A Vương và xác định vị trí từng căn nhà. Bốn căn nhà đều dựa vào sườn đồi, hướng nam, bên cạnh có suối cạn... Nguyên vật liệu làm nhà là tre, nứa được anh em chặt cách xa 2km, để giữ nguyên cảnh quan vị trí dựng nhà. Ngoài làm nhà đúng theo mẫu thiết kế, tôi lưu ý anh em trang trí thật tỷ mỷ; dùng tre nứa, cây song đan cài hình hoa thị và các hoa văn mà bà con dân tộc Tây Nguyên ưa dùng. Các căn nhà nối với nhau bằng cầu tre nhỏ bắc qua suối cạn, tạo dáng cong cong rất đẹp; anh em gọi là cầu "Thê Húc". Trong mỗi căn nhà có một bộ bàn ghế bằng tre, một sạp tre được tạo tác kỹ lưỡng, một chiếc võng, mắc thêm một điện thoại nối với Trung đoàn trưởng và Chính ủy. Cầu kỳ hơn, tôi còn mượn mấy giò phong lan của anh em các cơ quan Trung đoàn về treo trước cửa từng căn nhà và trên cầu "Thê Húc"...
Đến ngày thứ 6, mọi việc hoàn tất. Chỉ huy trung đoàn kiểm tra rất bằng lòng; tuy vậy vẫn chỉ đạo chúng tôi bổ sung một vài chi tiết. Tôi cho anh em làm theo, có anh bảo: Ông Phúc khéo vẽ vời, các cụ chỉ huy trung đoàn ở thì cần gì cầu kỳ thế! Thực tình cho đến lúc đó, tôi cũng chưa biết nhà làm cho khách nào ở.
Đêm 17 rạng ngày 18-5, Đoàn khách tới. Các vị trong đoàn mặc trang phục giống nhau: áo, quần màu tro, mũ tai bèo. Có vị khoác một chiếc bòng nhỏ. Người tôi nhận ra đầu tiên là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, to cao, đi lại đĩnh đạc. Một người tầm thước vừa phải, sau tôi mới biết là bác Nguyễn Thọ Chân - Bộ trưởng Bộ Lao động. Trung đoàn trưởng đi cùng một người tầm thước như bác Chân, khoác một chiếc máy ảnh. Đến trước một căn nhà, Trung đoàn trưởng nói với người cùng đi:
- Báo cáo anh, đây là nhà nghỉ của anh.
- Nhà đẹp hỷ - người khách nói. Rồi ông đi tới gần giò phong lan, ngắm nghía và nói:
- Vào đây mình lại nhớ ATK ở Việt Bắc, nhưng ở ATK không có nhiều phong lan đẹp thế ni.
- Chính ủy Nguyễn Sĩ Chía tiếp lời:
- Nếu anh mang về được, chúng em xin tặng để anh đem về Hà Nội.
Mọi người cười nói rôm rả. Anh Hùng Phong - Trưởng ban Tuyên huấn ghé tai tôi: - Bác Lành khen nhà các anh làm...!
- Ôi bác Lành - nhà thơ Tố Hữu - tôi thầm thốt lên!
Không ngờ tôi được gặp nhà thơ mà mình kính trọng giữa Trường Sơn. Lúc đó bác là Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư, dẫn đầu Đoàn cán bộ vào công tác ở chiến trường. Cũng vì vậy, tôi hiểu được chỉ huy Trung đoàn chỉ đạo chúng tôi làm nhà thật chu đáo để đón khách T.Ư, không hề muốn "vẽ vời" như anh em nghĩ.
Đã 45 năm trôi qua, trong tôi vẫn lưu đậm ký ức việc làm nhà đón bác Tố Hữu và Đoàn cán bộ T.Ư vào miền Nam công tác. Sau này, tôi đọc được kỷ niệm dừng chân ở Trao - "nhà khách" của Trung đoàn 98 đã được nhà thơ ghi lại trong bài thơ "Nước non nghìn dặm":
...Tới đây tre nứa là nhà
Giò phong lan nở nhành hoa nhị vàng
Trưa nằm đưa võng thoảng sang
Một làn hương mỏng mênh mang nghĩa tình...
Trần Văn Phúc (Hà Nội)