Làm Báo - làm “Bang”: (Ghi chép về Chương trình "Nghĩa tình Đồng đội" lần thứ 8 của Báo CCB Việt Nam)
Đang đói, lạnh, vả lại vì Chương trình giao lưu nghệ thuật "Nghĩa tình Đồng đội" sáng ngày 19-12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhờ sóng VTV9, chưa biết cảm ơn nhà đài thế nào, thì anh Tư lại nhảy ra đây. Đúng là "Ăn mày vớ được xôi gấc"!
Đúng với chất lãng tử, phong trần của dân "Anh Hai" làm văn hóa văn nghệ, anh Lâm Văn Tư-Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VTV9), sau khi bắt tôi truy lĩnh vài chầu bia vì đến chậm, đã rất thân tình như là bạn nhậu lâu ngày:
- Tư ra dự liên hoan truyền hình ở Đồng Hới, biết anh và Tuân dẫn "gánh hát" vào đây, là nhào vô luôn. Anh em mình "chơi" với nhau mấy chương trình rồi mà chưa có dịp... Anh đã làm nhiều chương trình, nhưng tầm của Đài nó khác. Báo của chú (đã chuyển chú) bé bằng bao diêm mà kéo cả đoàn vài trăm người đi khắp mấy tỉnh làm việc nghĩa... Được... được, khá lắm...!
- Có gì đâu anh-có chút men, tôi bắt đầu "chém": Làm báo thì em đang học việc, nhưng báo chí mà không gắn với truyền thông để tổ chức sự kiện thì cũng chỉ mới hoàn thành một nửa chức phận. Dù bé bằng bao diêm, nhưng thương hiệu Báo CCB Việt Nam của chúng em khối người mơ... Có điều, mới tổ chức hai chương trình đã thấy mình cũng chỉ là "cái Bang" thôi mà anh...
- Chú lại ghi điểm nữa rồi. Đúng... đúng là "cái Bang" thời hiện đại, "cái Bang" mà chẳng phải là "Bang"... “Bang” đi xin của người này để cho người khác, mà không đút miệng mình... Năm vừa rồi, anh xin cho Quảng Trị ngót 5 tỷ đồng đấy!...
Thế là hai tiếng "cái Bang" từ trong phảng phất men bia đã kéo tôi về với những vui buồn của người trong cuộc.
Chương trình "Nghĩa tình Đồng đội" đã được Báo CCB Việt Nam tổ chức đều đặn 8 năm gần đây, mỗi năm một lần. Hơn một năm trên cương vị Tổng biên tập của Báo, tôi đã may mắn hai lần làm Trưởng ban tổ chức chương trình. Năm 2014, sau khi cùng Tập đoàn Truyền thông Quốc gia vận động, quyên góp được một ít tiền và hiện vật; nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày Truyền thống của Hội CCB Việt Nam, chúng tôi tổ chức cho gần 100 CCB, các nhà tài trợ hành trình "Về cội nguồn Cách mạng", thăm Khu di tích Tân Trào-Tuyên Quang, ATK Định Hóa-Thái Nguyên, Khu di tích Pắc Bó-Cao Bằng; tặng 500 suất quà và sổ tiết kiệm với tổng giá trị 600 triệu đồng cho các đối tượng chính sách của ba địa phương... Điều làm cho tôi thật xúc động và ấn tượng nhất là nụ cười, ánh mắt của các mế, các thương binh, bệnh binh, các cháu học sinh vùng sâu vùng xa khi nhận chút qua từ tay những người hảo tâm xa lạ. Còn các CCB, các nhà hảo tâm thì bộc bạch: Đến với vùng sâu vùng xa, mới thấy việc mình làm chưa thấm vào đâu so với khó khăn, thiếu thốn của bà con! Sang năm, Báo còn tổ chức, các anh chị sẽ tham gia...
Nhưng, đằng sau cái được, có vị đã lợi dụng việc Ban Tổ chức ghi nhận sự đóng góp cho chương trình, để làm những điều khuất tất; lại có người cho rằng chúng tôi thông qua cơ quan truyền thông để vận động tài trợ là "bán cái"... Trong bộn bề công việc của một tờ báo tự mưu sinh, lại đúng vào thời điểm dư luận đang hết sức bất bình vời chiêu lừa lọc người nghèo của chương trình "Trái tim Việt Nam", nếu chỉ vì sợ tai tiếng, chắc chắn chúng tôi sẽ không thể nào có được Chương trình "Nghĩa tình Đồng đội" năm 2015 thành công ngoài mong đợi!
Thành công đầu tiên phải kể đến là việc tham gia chương trình của ba đoàn CCB ở Đông Âu. Tiếp các anh Hữu Yên, Ánh Sao, Nguyễn Sơn và các anh các chị là CCB từ Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc vượt nửa vòng trái đất trở về tham gia chương trình, tôi vô cùng xúc động bày tỏ: Gửi giấy mời đi, mong thì thật mong, nhưng không nghĩ là các anh các chị đã về thật nhiệt tình, vô tư như thế này... - Chúng tôi không về mới thật có lỗi-anh Sao, anh Yên đều chung một ý nghĩ: Thấy chương trình của Báo ý nghĩa quá, nó đi thẳng vào trái tim chúng tôi, gợi trong mỗi chúng tôi biết bao kỷ niệm, bao nghĩa tình đồng đội. Chỉ tiếc là nhận giấy mời gấp quá, chúng tôi chỉ cử được một số đại diện về. Anh Ánh Sao còn quả quyết: "Chúng tôi quyết định lùi Đại hội của Chi hội CCB bang tôi đã lên lịch, để về tham gia chương trình của Báo...".
Thật hạnh phúc cho "cái Bang" chúng tôi - "cái Bang" xuyên quốc gia! Một sự mở đầu báo hiệu những điều tốt lành! Tôi tự nhủ lòng phải gắng hết mình, nếu không làm được thì những người đầu tiên mình có lỗi chính là các vị Việt kiều này.
Ngày 14-12, chuyến hành quân về chiến trường xưa-về miền Trung, bắt đầu. Chúng tôi lên xe, cùng lúc gió mùa Đông bắc nổi lên, mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, như muốn thử thách lòng người.
Quá chiều ngày 14, chúng tôi đã có mặt, kiểm tra công việc chuẩn bị của những điểm đoàn sẽ đến ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Không xưng mà nhiều người cũng biết; các anh Thủ Thường, Thái Đại Phong, Xuân Quang-những doanh nhân CCB ở Nghệ An "không cho chúng tôi thoát" bữa tối trong không khí thân tình. Ai cũng xem công việc của Báo như của mình. "Nặng tình đồng chí lại đồng hương" cho tôi một đêm khó ngủ, mong có người thắp sớm mặt trời.
Sáng sớm ngày 15, TP. Vinh đang ngái ngủ, mấy anh em đã ngược Nam Đàn. Chưa tỏ mặt người, chúng tôi đã có mặt trước cổng vào làng Kim Liên-quê Bác. Theo chương trình, điểm dừng đầu tiên của đoàn là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người. Ở đây, đoàn sẽ làm lễ dâng hương báo công lên Bác, tặng ghế đá cho Khu lưu niệm, tặng 100 suất quà (tổng giá trị 150 triệu đồng) cho các CCB, gia đình chính sách của địa phương. Trời càng sáng, nỗi lo trong tôi càng tăng, bởi đoàn muốn về quê Bác bằng con đường mang tên Bác, nên vào chậm; trong khi các anh ở Tỉnh hội hỏi dục liên hồi và gió mỗi lúc càng to, mưa ngày càng nặng hạt! Theo kế hoạch, 7 giờ sáng sẽ chính thức hành lễ, mà 7 rưỡi, bốn "chiến xa" đưa đoàn mới lù lù tiến vào nhà hàng ăn sáng. Hai trăm con người "đổ bộ" cùng lúc vào một quán ăn cấp huyện, cho dù là hạng sang, cũng khó chiều lòng "thượng đế". Người thích bún, người thích xôi, anh chê súp lươn tanh, chị bảo cháo thiếu hành... Thật vui tai!
Đang mời chào khách, bỗng từ hầm đồ một chiếc xe, khói bùng lên... Cháy... Cháy...! Tôi lao ra, phụ xe bật nắp hầm hàng. Chăn hóa học cháy, đường sữa cháy, khói xộc ra làm mọi người sặc sụa. Sự cố được khắc phục ngay. Nguyên do là hàng nhiều, lèn chặt, chập dây điện phát cháy. Không ai bảo ai đều chung một suy nghĩ. Nếu không dừng ở quê Bác, xe chỉ cần chạy thêm mấy phút nữa thì mọi chuyện đã khác đi rồi! Chúng tôi thầm cảm ơn Anh linh của Bác và các Anh hùng liệt sĩ đã phù hộ cho đoàn. Và ngay lúc đó, tôi đã giám chắc cuộc hành trình sẽ thành công; mọi khó khăn, thử thách đã được hóa giải từ đám cháy định mệnh này!
Có thể có những điều trùng lặp ngẫu nhiên khó lý giải là mỗi lần đoàn làm lễ dâng hương ở đâu, trời đều đổ mưa to. Tại Kim Liên, rồi ở Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Đài tưởng niệm ở Thành cổ Quang Trị, đều như vậy. Trước mộ 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, mọi người dâng hương trong mưa, hát và khóc trong mưa; hay ở Nghĩa trang Đường 9, gió gào, mưa xối trong lúc tiếng chuông ngân lên trầm hùng linh thiêng... Nhưng chỉ sau lễ dâng hương là trời quang, mưa tạnh; để các CCB lại rong ruổi theo đường Trường Sơn về với Xuân Sơn, Long Đại, Bến Tắt, Cam Lộ... những cung đường lửa, những bến phà, cao điểm ... mà mình đã gửi trọn tuổi 20...
Với 4 tỉnh miền Trung, các nhà hảo tâm đã dành tặng 800 suất quà, sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách với tổng giá trị ngót một tỷ đồng. Ở các điểm tặng quà, thay mặt Ban Tổ chức và các nhà tài trợ, tôi đều nói giá trị vật chất quà tặng tuy khiêm tốn, nhưng lớn hơn là tình là nghĩa, là đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa"...
Một điểm nhấn nữa của chương trình là sự tham gia của nhiều tăng ni khắp cả ba miền, có cả sư thầy ở Kiên Giang, Sóc Trăng, TP. Hồ Chí Minh... Cũng vì vậy, thể theo nguyện vọng của các thành viên trong đoàn, một lễ cầu siêu cho vong linh các Anh hùng liệt sĩ ở Quảng Trị đã được tổ chức nghiêm trang bên bờ sông Thạch Hãn. Chủ tế là một Thượng tọa mặc áo cà sa như thầy Đường Tăng, càng làm cho lễ tế thiêng nghiêm. Với vai trò "chủ lễ", đúng tiếng rưỡi đồng hồ, tôi quỳ đội lễ - một việc tôi chưa từng làm; nhưng vì Anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã hy sinh vì nước, tôi đã đóng rất tròn vai. Sáng hôm sau, sư thầy Thủy (Bình Phước) quỳ bên cạnh tôi suốt buổi lễ, xuýt xoa: Tối qua thương Tổng biên tập quá, các sư thầy quỳ đều có lót gối, con anh thì không, thế mà quỳ im phăng phắc...
Sáng hôm đó, sau khi dâng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi đã ngậm ngùi thốt lên với nhiều vị: Hỏi có nơi đâu như mảnh đất này/ Nghĩa trang trắng cả một trời Quang Trị? Còn đêm xuống, sau khi làm lễ, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn, trong tôi cứ ngân lên ý thơ: Bao linh hồn tụ dòng sông/ “Bờ sông vẫn gió, người không thấy về”...?
Hành trình "Về chiến trường xưa - Tri ân đồng đội" sẽ mỹ mãn hơn, nếu trời đừng mưa to, mọi người được thăm Đường 20 Quyết Thắng trong hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại, nơi có di tích hang Tám Cô và danh thắng Phong Nha-Kẻ Bàng. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên đều bộc bạch: Cảm ơn Báo mình đã tổ chức chuyến đi thật ý nghĩa, thật thỏa nguyện..! Một CCB râu tóc bạc phơ từ Cà Mau ra, xúc động nói: Tôi ở đuôi Rồng, mấy hôm nay thăm đất lưng Rồng, mai mốt ra đầu Rồng (Hà Nội) nữa là mỹ mãn cuộc đời, cảm ơn Báo nhiều lắm...!
Điểm nhấn nữa của chương trình là mặc dù đang tham dự Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 13, nhưng cuối chiều ngày 18-12, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu vẫn bố trí tiếp, tặng quà các thành viên của đoàn tại phòng họp Diên Hồng của tòa nhà Quốc hội. Chắc chắn đây là kỷ niệm có một không hai trong đời của rất nhiều người. Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hoạt động tình nghĩa của Hội CCB Viêt Nam và Báo CCB Việt Nam.
Hội tụ để rồi thăng hoa mọi cảm xúc của các thành viên trong đoàn vẫn là chương trình giao lưu nghệ thuật được tổ chức sáng ngày 19-12-2015, tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình là sự tri ân những nhà hữu tâm hữu sản đã đồng hành cùng chúng tôi, đó là Tổng công ty Rượu-bia-nước giải khát Sài Gòn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Picenza Việt Nam, Công ty may Nhà Bè... cùng hàng trăm doanh nhân khác.
Cảm ơn lắm những cán bộ, nhân viên của Tập đoàn truyền thông Quốc gia, từ Tổng giám đốc Ngô Ngọc Tuân, đến các em Ngọc Phụ, Lan Hương; các cháu Thùy Dương, Phương Linh-làm việc hết sức chuyên nghiệp; những có gái xinh xắn, dễ thương luôn cháy hết mình vì công việc.
Thông điệp mà chương trình muốn gửi tới mọi người là: Những tấm lòng thơm thảo, những vòng tay nhân ái, những bài ca đi cùng năm tháng sẽ nhen nhúm rồi thổi bùng trong mỗi chúng ta niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người!
DT