Lại tăng giá xăng dầu: Khó khăn đã có người tiêu dùng gánh chịu (23/04/2012)

Quả nhiên, qua một số phương tiện thông tin đại chúng, người ta đã biết Bộ Tài chính có thông báo gửi các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, cho phép từ 20h ngày 20-4, xăng A92 tăng 900 đồng/lít (từ 22.900 đồng lên 23.800 đồng/ lít), dầu diezel tăng 500 đồng/ lít (từ 21.400 đồng lên 21.900 đồng/lít), dầu hỏa tăng 600 đồng/lít (từ 20.800 đồng lên 21.400 đồng/lít), ma dút tăng 400 đồng/kg (từ 18.800 đồng lên 19.200 đồng/kg), tức là tăng giá đồng loạt đối với hầu hết các loại xăng dầu. Rào trước đón sau vì… bí? Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và các cơ quan báo chí về việc điều hành giá xăng trong thời điểm hiện nay với giải thích: Kể từ sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước gần đây nhất (ngày 7-3-2012), giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và dao động ở mức cao, tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, đã tác động làm cho việc kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Việc tiếp tục điều chỉnh giá là để nhằm làm cho giá xăng dầu phản ánh được sự biến động của giá thị trường thế giới; đồng thời để phản ánh đúng giá hàng hóa, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu theo các nguyên tắc tính toán đã được quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Mặc dù được "rào đón" trước như vậy song dư luận vẫn thắc mắc: Việc tăng giá lần này có phải là để giải quyết một phần tác động bởi giá xăng dầu thế giới; để hạn chế chênh lệch giá các mặt hàng này với các nước láng giềng và ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới; để ngân sách NN cũng bớt một phần bù lỗ... hay vẫn là quyết tâm bảo hộ cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu của Liên bộ Tài chính, Công thương khi loay hoay mãi mà chưa đưa ra được chính sách, biện pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp? Giá xăng dầu liên tục bất ổn trong thời gian qua do những diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới là một thực tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh doanh xăng dầu trong môi trường cạnh tranh hiện nay, để bảo đảm kiểm soát được mức giá bán ra, một trong những giải pháp mà DN phải tính đến là kiểm soát được giá xăng dầu thông qua các hợp đồng kỳ hạn thế giới với một mức giá đã được cố định sẵn (ví dụ 100 USD/thùng chẳng hạn) trong thời hạn là một năm (hoặc hơn nữa) bất kể các diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới. Điều này có nghĩa là nếu như sau đó giá dầu thế giới có tăng lên 110 USD/thùng thì các DN cũng vẫn mua được với mức giá đã ký từ trước là 100 USD/thùng. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hoàn toàn có thể buộc các DN kinh doanh xăng dầu thực hiện các giao dịch "chốt" giá xăng dầu theo cách dài hơi như thế. Vấn đề là DN có dám quyết tâm thực hiện hay không. Tất nhiên cũng có lúc giá xăng dầu thế giới giảm thấp, ví dụ xuống 90 USD/thùng, các DN vẫn phải mua với giá đã chốt trước đó là 100 USD/thùng, lỗ 10 USD/ thùng, nhưng trong trường hợp này, người ta không coi đó là lỗ bởi mục tiêu quan trọng nhất đã đạt được là chủ động được mức giá 100 USD/thùng - mức giá mục tiêu và giá xăng dầu bán ra vẫn sẽ không thay đổi so với dự kiến. Người dân chịu thiệt Ở nước ta, thực tế những đợt tăng giá xăng dầu vừa qua cho thấy, các DN kinh doanh xăng dầu đều biết trước là nếu giá xăng dầu thế giới tăng họ sẽ được Nhà nước bù lỗ, còn nếu như giá thế giới có giảm đi thì họ vẫn bán theo giá cao, tức là kiểu gì họ cũng không "chết". Thế nên mới có việc, nhiều lần giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước tăng theo nhưng giá xăng dầu thế giới giảm mà giá trong nước vẫn đứng yên (ở mức cao). Nói cách khác, phương thức độc quyền trong kinh doanh xăng dầu cùng với sự bảo hộ tuyệt đối của Nhà nước đã tạo điều kiện làm tăng tính tùy tiện trong kinh doanh của các DN xăng dầu trong nước cũng như làm giảm ý thức về trách nhiệm xã hội của họ. Còn người tiêu dùng thì giá nào cũng phải chấp nhận, có kêu ca đến đâu thì cuối cùng vẫn phải mua. Người tiêu dùng bức xúc còn bởi kim ngạch xuất khẩu dầu thô ở nước ta trong thời gian qua luôn cao hơn kim ngạch nhập khẩu xăng dầu. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá xuất khẩu dầu thô đương nhiên cũng tăng lên, phần chênh lệch này sau khi bù lỗ cho giá xăng dầu nhập khẩu thì phần ngân sách nhà nước còn lại bao nhiêu và phần chia lợi nhuận cho các DN kinh doanh độc quyền là bao nhiêu, không ai được biết? Trong khi ai cũng thấy thu nhập của CB, CNV ngành dầu khí nói chung là rất cao, không bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới lên hay xuống, liệu có hay không chuyện "bên lở, lở mãi; bên bồi, bồi thêm" hết sức vô lý? Xăng dầu là ngành chủ chốt trong nền kinh tế nước ta, thế nên việc cứ lặp lại mãi điệp khúc "do giá xăng dầu thế giới tăng nên giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo tương ứng" là không thể chấp nhận được. Việc tăng giá xăng dầu hiển nhiên sẽ kéo nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng theo, người tiêu dùng lại phải một lần nữa chịu thiệt thòi đầu tiên. An sinh xã hội vừa có những dấu hiệu tốt từ các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thời gian qua chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Thất vọng! Nhớ lại những lời phát biểu kiên quyết, đầy trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ với lãnh đạo Bộ Công thương tại hội thảo "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay" (tổ chức ngày 20-9-2011 tại Hà Nội) từng làm người tiêu dùng hả hê, phấn khởi, người ta phải đặt ra câu hỏi, đến nay sao Bộ lại làm khác? Sau đợt tăng giá gây sốc hôm 7-3, riêng xăng A92 đang giữ kỷ lục giá ngoài sức tưởng tượng của người dân, tới 22.900 đồng/ lít, nay "nhảy" lên 23.800 đồng. Đó chẳng lẽ vẫn là vì quyền lợi của người dân? Thế nên, không phải vô cớ mà người ta cho rằng, việc đồng thời với cho phép tăng giá, Bộ Tài chính yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định mức trích quỹ bình ổn giá như hiện hành là 300 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng dầu chỉ như một trò đùa. Phương Linh ( TH)