Đông La
Trên mạng xã hội lại vừa xuất hiện bài viết “Chống ngụy biện và nhầm lẫn về Chủ nghĩa Mác-Lênin” của Nguyễn Đình Cống-nguyên là giáo viên giảng dạy tại Trường đại học Xây dựng, Hà Nội.
Không biết có phải do tuổi cao (năm nay ông 80 tuổi) mà “cái nhìn” về triết học Mác của ông lại “đông cứng” đến như thế.
Ông viết: “Trong thời gian dài, tôi và nhiều người, trong đó có cả những trí thức lớn, đã bị nhầm lẫn, cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin là hoàn toàn đúng, là trí tuệ tuyệt vời của nhân loại. Dần dần một số trong những người ấy tỉnh ngộ ra, thấy được cái sai và tác hại của nó, nhưng cũng còn rất nhiều người chưa thấy được. Nguyên nhân của hiện tượng nhầm lẫn là do người tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin đã dùng lối ngụy biện ở trình độ cao, còn người tiếp nhận, đã bị tình cảm chi phối hoặc do vô minh mà tin một cách ngây thơ hoặc mù quáng”…
Sau một đoạn viết dài lý giải nghĩa của từ “ngụy biện”; từ “vô minh”, ông Cống viết tiếp: “Thí dụ: Dựa vào phán đoán CNXH là vô cùng tốt đẹp. Suy luận thành: yêu nước thì phải yêu CNXH, hoặc không yêu CNXH không phải là người yêu nước. Suy luận trên là ngụy biện”; “Kết luận yêu nước phải yêu CNXH là một kết luận không thể chấp nhận (hàng tỷ người trên thế giới không yêu CNXH, không thể bảo họ không yêu nước). Thế mà hàng chục triệu dân Việt Nam chấp nhận sự ngụy biện trên như một chân lý.
Họ vui vẻ chấp nhận vì điều đó được cán bộ của Đảng nói ra, họ đã có sẵn niềm tin vào Đảng, hơn nữa trình độ của họ còn thấp, chưa đủ kiến thức và phương pháp khoa học để phát hiện ra sự ngụy biện. Những người thấy là sai mà không dám nói công khai, không dám phản biện vì sợ mang tội phản động, tội chống Đảng”.
Trước hết phải đính chính lại cho ông Cống và cả những ai chưa hiểu cần phải hiểu CNXH không phải do Chủ nghĩa Mác tạo ra.
Trong lịch sử phát triển, con người vốn còn phần “con” của dã thú nên đã tham ác trong cuộc đấu tranh sinh tồn; kẻ mạnh, kẻ ác sẽ thắng kẻ yếu, kẻ hiền. Đó là bản chất của chủ nghĩa tư bản hoang dã mà chúng ta được xem nhiều qua văn chương và phim ảnh. Vì thế mà loài người thấy cần có một sự công bằng. Đó chính là tính chất cơ bản nhất của CNXH.
Trong thế kỷ XIX, cụm từ "Chủ nghĩa xã hội" thường được các nhà phê bình xã hội châu Âu nói chung dùng để phê phán chủ nghĩa tư bản. Cứ thế, dần dần các nhà tư tưởng đã khái quát lại thành hệ thống lý luận của chủ nghĩa xã hội, đấu tranh cho một xã hội công bằng. Và rồi những người theo CNXH đã tự hình thành nhiều nhánh khác nhau. Riêng Chủ nghĩa Mác-Lênin thì cho CNXH là giai đoạn nằm giữa quá trình từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Một số trường phái CNXH khác thì vẫn chấp nhận đa nguyên về kinh tế và chính trị nhưng vẫn tạo ra sự bình đẳng xã hội bằng chính sách thuế và an sinh xã hội…
Thực tế đến nay không có nước nào tuyệt đối là một chế độ theo đúng định nghĩa của lý thuyết. Đến Liên Xô từng coi mình là “Thành trì XHCN”, nhưng thực tế cơ chế vận hành xã hội còn mang nhiều tính chất của xã hội phong kiến… Thực chất nhà nước Liên Xô là nhà nước mang hình hài XHCN nhưng máu chảy trong đó còn là máu phong kiến. Cũng chính vì thế mà nó đã vỡ tan tành. Còn Hoa Kỳ và các nước phương Tây thực ra là “được” phe XHCN gán cho theo CNTB. Nhưng thực tế, để tồn tại và phát triển, nhiều tính chất xấu xa của chủ nghĩa tư bản hoang dã đã chết đi. Như Wikipedia viết: “Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận”. Nhiều chính sách an sinh xã hội tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây hướng về cộng đồng rõ ràng là mang tính chất của CNXH mà thời CNTB hoang dã không thể có. Cùng với nền tảng phát triển sẵn có, họ đã là “phe” thắng thế, được thế giới gọi là các nước phát triển, còn họ thì tự coi mình là thế giới tự do, dân chủ. Nhưng dù vậy, tính chất của xã hội tư bản vẫn còn nhiều. Vẫn còn nguyên đó sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động, vì thế mới có Phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall”. Phong trào của những người “đại diện cho 99 % dân lao động” chống lại “1% giới tư bản”, cái “hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh”.
Nước ta, trước đây với thực trạng mất nước, một chế độ phong kiến nô lệ, thì coi XHCN là “lý tưởng tốt đẹp” là điều tất nhiên, sao ông Cống cho “phán đoán CNXH là vô cùng tốt đẹp” chỉ là cở sở để “suy luận ngụy biện”?
Còn cái khẩu hiệu “yêu nước thì phải yêu CNXH, hoặc không yêu CNXH không phải là người yêu nước” thì ông Cống đã không phân biệt được lý luận với tuyên truyền. Mà việc tuyên truyền thì bất cứ chế độ nào cũng tuyên truyền chứ không chỉ có ở Việt Nam. Khi nước ta coi chế độ XHCN là lý tưởng để phấn đấu xây dựng thì chuyện đưa ra khẩu hiệu để tuyên truyền “yêu nước thì phải yêu CNXH, hoặc không yêu CNXH không phải là người yêu nước” là chuyện tất nhiên.
Còn ông Nguyễn Đình Cống viết: “Hàng tỷ người trên thế giới không yêu CNXH, không thể bảo họ không yêu nước” thì đúng là lý sự của một người đầu óc có vấn đề chứ một nhà lý luận không ai ú ớ như thế! Cũng cần phải phân biệt, hiện nước ta coi CNXH là lý tưởng để phấn đấu xây dựng chứ xã hội nước ta chưa phải là XHCN. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".
Hình như đến nay vẫn có người cứ nghĩ, ta tuyên bố theo chế độ XHCN thì sẽ khá hơn Anh, Pháp, Mỹ mà không hiểu rằng, hơn hay kém còn phụ thuộc vào thực trạng của ta, trình độ của ta, khả năng ta thực hiện trong thực tế như thế nào chứ không phải cứ tuyên bố là được. Nếu làm sai, lại không chỉnh đốn, không sửa sai thì thậm chí còn sụp đổ cả chế độ, chứ đừng tưởng có CNXH.
Đ.L