Bà Huỳnh Thị Hiệp, sinh năm 1930, tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 16 tuổi, cô du kích Hiệp phụ trách đội nữ dân quân xã đánh Pháp trong kháng chiến toàn quốc, 17 tuổi được kết nạp vào Đảng. Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, cô Trưởng ban nữ dân quân huyện Điện Bàn ấy chỉ lo đánh giặc mà không hề vương vấn chuyện riêng tư.
Năm 1954, thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, Huỳnh Thị Hiệp tập kết ra Bắc và được phân công về Nhà máy dệt Nam Định công tác. Trong một đám cưới của bạn có nhiều anh bộ đội ở Hà Nội xuống dự, bà quen với một anh cán bộ dáng cao cao, khuôn mặt sáng sủa, tuổi ngoài 30. Quen và quý thế thôi, nhưng bà không ngờ rằng, bà đã làm cho trái tim của chàng trai người Đức Thọ, Hà Tĩnh ấy rung động…
Chàng trai đó tên là Lê Nam (Trần Ngọc Quế).

  • Quen nhau trong đám cưới, không ngờ sau đó ông ấy viết thư tỏ tình và hay xuống thăm tôi. Ban đầu tôi rất phân vân, ông hơn tôi 7 tuổi, có học vấn cao, hiểu biết rộng, lại là người miền Bắc, trong khi đó tôi còn trẻ, còn muốn phấn đấu nên ngại lắm. Nhưng rồi bạn bè động viên, ông cũng khéo “dân vận” lại thường bày vẽ cho tôi về cuộc sống, về đối nhân xử thế nên tôi rất cảm phục. Và tình yêu đến khi nào không biết - bà Hiệp xúc động kể.
    Vốn kiệm lời và khiêm tốn, chàng trai đó ít nói về mình. Sau này nghe kể bà mới biết ông từng là Chủ nhiệm chính trị của đơn vị tiêu diệt cứ điểm Him Lam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
    Họ cưới nhau năm 1956 tại nhà khách Tổng cục Chính trị ở Cửa Đông, năm 1957 có đứa con gái đầu tiên. Năm 1958 bà được cử đi học ở trường Quản lý xí nghiệp, sau đó về công tác tại Bộ Công nghiệp nhẹ.
  • Được công tác ở Hà Nội tưởng gần chồng, nhưng ông nhà tôi đi suốt. Ông lúc đó là Trung tá, Trưởng phòng Tuyên truyền – Cổ động của Cục Tuyên huấn nên đi công tác suốt. Ông mồ côi bố mẹ từ nhỏ, còn gia đình tôi thì ở trong Nam, mình tôi vừa công tác vừa chăm lo ba con ăn học. Bà lại kể.
    Năm 1965, khi Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, ông càng ít có điều kiện ở nhà. Một nách ba con nhỏ, lại là Trưởng phòng Tổ chức nhà máy thuốc lá Thăng Long trong - hoàn cảnh thời chiến, người phụ nữ mảnh mai là bà đầu tắt mặt tối suốt ngày.
    Năm 1967, khi Quân uỷ T.Ư thành lập Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh do Phó tổng Tham mưu trưởng Trần Quý Hai làm Tư lệnh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo làm Chính uỷ, Trung tá Lê Nam vừa đi B ra vài tháng lại xung phong vào chiến trường, ông được điều làm Trưởng phòng Tuyên huấn Mặt trận.
    Vào tới chiến trường, khi nghe tin tôi được trên dự định điều động làm Giám đốc Nhà máy thuốc lá Lạng Sơn, ông ấy viết thư động viên tôi nhận nhiệm vụ, mặc dù lúc ấy chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc đang ác liệt, chồng ở xa, con cái sơ tán mỗi đứa mỗi nơi - bà Hiệp bồi hồi nhớ lại - Thư ông đó!
    “Em yêu,
    Công tác của em như đã bàn ở nhà, nếu các anh ấy đã có ý kiến như vậy, em cứ đi. Chuẩn bị đồ rét, thuốc đầy đủ. Đem sâm đi dùng, kiếm thêm ít thuốc bổ, lên đó tìm cách bồi dưỡng thêm, đừng tiếc tiền…
    Thời gian đầu, tình cảm khó khăn đấy, em cố gắng đấu tranh để yên tâm, rồi sau đó nó quen đi. Như anh đã nói, coi như là một thời kỳ mới, gia đình phân tán, rồi tình mẹ con, tình vợ chồng, phải tự đấu tranh nhiều đấy!...”.
    Thư ông, đề ngày 23-12-1967, thì đến ngày 29-1-1968 tức là ngày mồng 1 Tết Mậu Thân lịch sử, ông hi sinh trong một trận bom B52 của Mỹ rải trúng vào Bộ Tư lệnh Mặt trận. Đó là lá thư cuối cùng ông để lại cho bà và các con.
    Hơn 45 năm qua, thương nhớ khôn nguôi người chồng yêu dấu, bà ở vậy nuôi con và phấn đấu tiến bộ theo sự mong mỏi của ông. Những ngày ác liệt nhất, như cuộc tập kích 12 ngày đêm bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội tháng 12-1972, bà vừa là Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ, vừa là Chính trị viên Đại đội pháo cao xạ của Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà, kiên gan bám trụ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Năm 1977 bà được điều vào TP Hồ Chí Minh làm Giám đốc Công ty bột mì miền Đông với bao bộn bề công việc sau ngày thành phố mới giải phóng. Cứ thế, người phụ nữ mảnh mai ấy từ đau khổ, mất mát đã vươn lên bằng nghị lực phi thường, vượt qua chiến tranh ác liệt, vượt qua những ngày gian nan của thời kỳ đầu đổi mới, để trở thành người phụ nữ thành đạt trong công việc và nuôi dạy con cái theo ước nguyện trong lá thư cuối cùng mà người chồng để lại.
    Hồng Sơn