Lá lành và lá rách

Bè nhựa của CCB xã Nghi Đức (Nghệ An) chở hàng vào cứu trợ bà con vùng lũ Quảng Bình.

Từ thời xưa, thể hiện tình người trong hoạn nạn, ông cha ta thường nói “Lá lành đùm lá rách”, rồi nay bà con ta còn nói “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Câu nói ấy được sử dụng rộng rãi trong thời gian gần đây, khi mà thiên tai liên tục ập xuống gây bao mất mát đau thương cho miền Trung.

Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, Quảng Bình là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Song với truyền thống đoàn kết, cùng sự tương trợ giúp đỡ kịp thời của nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình không những khẩn trương khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống mà còn sẻ chia với khó khăn của các tỉnh bạn. Biết bao câu chuyện cảm động về tấm lòng của đồng bào cả nước hướng về miền Trung, về Quảng Bình. Đọng lại trong tôi là suy nghĩ: Lá rách đùm lá rách, rất khó mà xác định “lá” nào rách hơn, nhưng tình cảm luôn đong đầy yêu thương.

Đêm ấy, nước từ thượng nguồn sông Gianh ào về, nhiều nhà ngập đến mái ngói. Quá nửa đêm nằm trên gác gỗ, tôi nhận được điện thoại của một người bạn nhờ dẫn đường đi cứu trợ bà con vùng lũ. Anh tên là Tuệ, Hội trưởng CCB xã Nghi Đức (Nghi Lộc, Nghệ An).

Đoàn cứu trợ đi bằng ba cái bè mảng tự chế bằng nhiều ống nhựa có gắn động cơ, rất sáng tạo. Anh nói mới chỉ kêu gọi trong một thôn của mình mà hàng hóa đã chất đầy xe, gồm bánh chưng, nước lọc, mì tôm và các loại hàng thiết yếu khác, nếu cả xã thì nhiều xe mới chở hết. Đến nơi vừa thuê cẩu hạ bè xuống, chất hàng lên chưa kịp ăn uống gì đã cho nổ máy ngược dòng Gianh đang cuồn cuộn nước lũ.

Chúng kiến cảnh khó khăn của bà con, vài ngày sau anh lại vào Quảng Bình thêm chuyến thứ hai, tiếp tục đi cứu trợ cho bà con ở thượng nguồn sông Son. Mới tạm nghỉ một ngày thì Nghệ An bị lũ lớn, các anh lại lên đường đến tâm lũ Thanh Chương đi cứu bà con, mặc dù nước cũng vào nhà mình.

Về quê trong những ngày nước lũ chưa rút hết, tôi còn được chứng kiến nhiều hình ảnh cảm động. Gần sông Gianh nên hầu như năm nào quê tôi cũng chịu cảnh “sống chung với lũ”, song đợt lũ này sau gần 40 năm mới gặp lại làm thiệt hại đáng kể.

Tới đầu làng, tôi gặp một nhóm thiện nguyện đang phát bánh chưng cho bà con. Tò mò xem thử, hóa ra trong nhóm không phải ai xa lạ mà là mấy trai làng. Vì nhóm không có điều kiện về tài chính nên đã kết nối mạng để kêu gọi bạn bè khắp nơi giúp đỡ. Chỉ trong vài ngày đã nhận được nhiều quà từ những tấm lòng hào hiệp của bạn bè. Nhóm đã mua nước lọc, lương khô, tổ chức gói 3.000 cái bánh chưng, nấu hàng ngàn suất cơm, ngày đêm đến từng nhà bị ngập, cấp phát và động viên bà con.

Tiếp nhận và cứu trợ trong xã chưa xong, nhóm lại kêu gọi bà con trong làng mình chung tay ủng hộ Nghệ An bị lũ nặng. Chính những cái “lá rách” ấy lại tích cực gom góp tài sản nhà mình và quà nhận được, gửi ra giúp đỡ bà con Nghệ An, Hà Tĩnh. Thật đúng là trong cơn hoạn nạn làm cho con người xích lại gần nhau hơn, ai cũng có thể làm được việc thiện, miễn là có một tấm lòng.

Bà con huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đến nhận hàng cứu trợ của CCB xã Nghi Đức, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Khi chúng tôi đến xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh thì nước đã rút nhiều nhưng để lại một “bãi chiến trường” tan hoang và đến đâu cũng thấy nhiều nhất là bùn, đất. Nơi đây thời chống Mỹ là Sở chỉ huy Đoàn 559 của tướng Đồng Sỹ Nguyên, vốn là một xóm khang trang của miền quê nông thôn mới. Bây giờ phải lội bùn sâu trên đường bê tông, vườn tược xác xơ, nhà cửa bạc màu phù sa.

Nhà văn hóa thôn trở thành điểm phát hàng cứu trợ, những đoàn xe “Hướng về miền Trung” vào ra nhộn nhịp. Ông Đỗ Cảnh Tùng, Chi hội trưởng CCB dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà ngói cũ kỹ vừa bị ngập sâu còn dính đầy bùn, nói đây là nhà của CCB Hoàng Chí Nhân, rồi kể: Ông Nhân tuy tuổi cao nhưng khi được nhân dân và đồng đội tin tưởng bầu làm ba “chức” là: Chi hội phó nông dân, Chi hội phó CCB và Chi hội trưởng Cựu TNXP, ông đều vui vẻ nhận công việc “Vác tù và hàng tổng”.

Khi lũ ập tới, với chiếc thuyền nan, ông đi cứu bà con bị nạn từ sáng sớm đến tố mịt, bốn ngày liền không nghỉ. Ngày cuối cùng ông chuyển được 18 người từ chổ ngập sâu lên chổ cao, về đến nhà mình thì nước đã ngập giữa mái ngói, ông bảo vợ trèo lên gác gỗ, tiếp tục bơi đi cứu bà con. Cứ vậy nhiều ngày liên tục dầm mình trong nước lũ cứu dân và đi phát mì tôm, bản thân bữa ăn bữa nhịn, đến chiều tối bơi về đến nhà thì ông kiệt sức rồi lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng.

Sự ra đi của ông còn xót xa hơn vì đồng đội và bà con đưa tiễn ông giữa mênh mông biển nước. Những người già và trẻ nhỏ được ông cứu sống càng khóc to hơn giữa cơn mưa nặng hạt, họ bảo ông ấy đã ra đi để nhiều người được sống...

Lũ lớn đã qua, tình người ở lại, trong hoạn nạn người dân Quảng Bình thấy ấm lòng và luôn khắc ghi tình cảm đặc biệt của cả nước hướng về miền Trung. Trong khó khăn, cái tốt càng lộ diện, nhất là bản chất, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ càng thêm tỏa sáng.

Xuân Vui