Kỳ vọng bước phát triển mới (16/08/2012)

Đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống... Sau 5 năm gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng GDP vùng ĐBSCL đạt 11,2%/năm, thu hút 612 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 9,78 tỷ USD. Giá trị khai thác nuôi trồng thủy sản tăng, đạt 13.000 tỷ đồng. Tốc độ xuất khẩu thủy sản tăng từ 14 đến 22%/ năm. Lượng gạo xuất khẩu tăng đều qua các năm, riêng năm 2011 xuất khẩu đạt gần 7 triệu tấn. Thu nhập bình quân trên đầu người tăng từ 627,6 nghìn đồng/tháng vào năm 2006 lên đến 1.247,2 nghìn đồng/tháng.

Chế biến thủy sản xuất khẩu là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cơ cấu công nghiệp trong vùng. Toàn vùng hiện có 133 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất trên 690.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ yếu là cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực...

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn của vùng rất đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Ngoài các sản phẩm như chế biến thủy sản, rau quả, gạo xuất khẩu luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu công nghiệp toàn vùng, mỗi tỉnh đều có những sản phẩm đặc trưng như rượu đế Gò Đen (Long An); bánh phồng Cái Bè, hủ tiếu Mỹ Tho, mắm tôm chà Gò Công (Tiền Giang); kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lòng, bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre); khô, mắm và đồ mộc (An Giang); than đước, ghe xuồng (Hậu Giang); bánh pía, lạp xưởng (Sóc Trăng)...

Làng nghề cũng rất phong phú. Đến nay ĐBSCL có 161 làng nghề, trong đó có 133 làng nghề đã được công nhận, thu hút 84.500 lao động. Trong đó, làng nghề đan lát chiếm tỷ trọng cao nhất, do những năm gần đây thị trường xuất khẩu ưa chuộng hàng thủ công thân thiện với môi trường. Hầu như địa phương nào ở ĐBSCL cũng có làng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình, bẹ chuối, lác. Trong lĩnh vực thương mại, đến nay, ĐBSCL hiện có 1.625 chợ, chiếm 19,5% tổng số chợ của cả nước, trong đó, chợ nông thôn là 1.290 chợ (chiếm gần 80%) và một số chợ đầu mối gạo, rau quả, thủy sản quy mô lớn.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện ĐBSCL vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức cần được tháo gỡ, trong đó nổi bật là những yếu kém về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vẫn nặng về nông nghiệp (chiếm khoảng 38%), cao hơn rất nhiều so với cả nước, trong khi công nghiệp chiếm 28,6% thấp hơn so với cả nước; thiếu quy hoạch tổng thể và thiếu liên kết, hạ tầng kém phát triển, chất lượng lao động chưa cao; đầu tư quốc gia vào ĐBSCL còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 13,6% tổng đầu tư quốc gia; vốn tín dụng thấp, tổng dư nợ chỉ có 9% so với cả nước; gần 99% số doanh nghiệp sử dụng dưới 300 lao động; hơn 96% số doanh nghiệp có vốn ít (dưới 50 tỉ đồng). Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp chỉ bằng phân nửa cả nước. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp, doanh thu chỉ bằng 70% số doanh nghiệp cả nước, lợi nhuận và nộp ngân sách chỉ bằng 50%. Năng suất lao động và thu nhập của người làm công ăn lương thấp nhất trong cả nước. Kinh phí đầu tư cho giáo dục cũng như số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, cao đẳng và đại học thấp nhất nước.

Để tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp ở ĐBSCL, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên: “Ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội của ĐBSCL hiện nay là đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Bên cạnh các khu công nghiệp đã quy hoạch và đưa vào sử dụng thì khu vực cũng cần phải tận dụng các vị trí thuận lợi để mở rộng thêm các khu công nghiệp mới. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở hạ tầng đủ mạnh nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng dần giá trị tỷ trọng công nghiệp”.

Bài và ảnh: Phương Nghi