Ký ức về trận đánh cuối cùng
Gặp CCBĐỗ Xuân Bộ bên căn nhà mới khang trang, trong niềm vui tân gia, ông hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đã qua, nhất là những ngày tháng oanh liệt của tuổi thanh xuân, cùng đồng đội vào sinh ra tử và những giây phút cuối cùng của cuộc trường chinh đằng đẵng hơn 20 nămkháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Đầu tháng 3-1975,đơn vị ông tham gia chiến dịch Tây Nguyên; sau đó cơ động lực lượng tiến sâu vào Củ Chi, đánh chiếm căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy - một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của chế độ cũ, đồng thời đây cũng là bức tường thép án ngữ cửa ngõ phía bắc Sài Gòn.
Trong trận đánh này,đơn vị ông phải chịu những tổn thất không nhỏ cả về người và vũ khí trang bị, bởi Đồng Dù là một căn cứ phòng ngự hết sức kiên cố của địch, với hệ thống hàng rào dây thép gai và các loại mìn được bố trí liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp, kết hợp chặt chẽ với các ổ hỏa lực.
Đúng 5 giờ 30 phút sáng ngày 29-4-1975,sau phát pháo hiệu, hỏa lực của các đơn vị đồng loạt khai hỏa. Những chiến sĩ công binh vun vút lao lên, dùng bộc phá phá tan các lớp hàng rào dây thép gai của địch; bộ binh và các binh chủng xung phong tiếp cận mục tiêu; nhưng do hỏa lực của địch quá mạnh, nên đã gây cho ta rất nhiều khó khăn, nhiều mũi xung kích đã bị hỏa lực địch chặn lại. Ngay trên hướng tiến công của ông, đã có 68 đồng đội ngã xuống trước cửa mở và mãi đến hơn 11 giờ trưa hôm đó, ta mới mở xong hàng rào cuối cùng…
Mũi của ông Bộ cũng cùng chung hoàn cảnh đó. Khi địch phát hiện ra hướng tiến công của ta, chúng đã dùng đại liên và các loại hỏa lực mạnh bịt cửa mở, mấy chiến sĩcông binh lại tiếp tục ngã xuống ngay bên hàng rào, 2 đồng đội của ông cũng lần lượt hy sinh, bản thân ông cũng bị một mảnh đạn của địch.
Trên xe Zép,tên sư trưởng Sư đoàn 25 Lý Tòng Bá cùng lũ tùy tùng vẫn huênh hoang gọi loa úy lạo binh sĩ: “Cứ để cho bọn chuột cống vào rồi ta sẽ bịt cửa…”. Ngay sau đó, chúng tổ chức khoảng 1trung đoàn, vu hồi từ phía nhà thờ Củ Chi đánh thọc vào sườn đội hình chiến đấu của ta. Do bị phân tán lực lượng trên hướng đột kích chủ yếu lại càng thêm mỏng, cao xạ 37mm của ta hạ nòng xối xả trút lửa vít đầu địch; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 nhảy lên khỏi hầm giành khẩu 12,7mm nhả đạn về phía quân thù.
Trước tình thế hết sức khẩn trương, cấp bách, ông Bộ vơ vội khẩu B40 của đồng đội vừa hy sinh, lợi dụng địa hình, địa vật và những hố đạn, tiếp cận mục tiêu, nhằm lô cốt đầu cầu bóp cò; một tiếng “ục” cùng quầng lửa trùm lên ụ đất, chỉ trong tích tắc họng súng của địch đã hoàn toàn câm bặt. Đồng đội ào ào xông lên. Sau hơn 1giờ công kích mãnh liệt, các ổ đề kháng của địch đều bị tiêu diệt. Ta làm chủ trận địa, tiến thẳng vào sở chỉ huy bắt sống tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 cùng toàn bộ quân lính. Đây là đòn chí mạng đánh vào tử huyệt kẻ thù, đè bẹp hoàn toàn ý chí kháng cự cuối cùng của sĩ quan, binh lính ngụy ở tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn. Trong trận đánh này, ông Bộ đã tiêu diệt hàng chục tên địch, thu hồi nhiều vũ khí.
Sau trận đánh,Sư đoàn 320A được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTNDlần thứ 2. Bản thân ông Bộ đượctặng thưởng Huân chương Chiến công, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy và một vinh dự đặc biệt đến với ông, đó là được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1979,ông xuất ngũ phục viên về xây dựng kinh tế gia đình và tham gia hoạt động xã hội tại địa phương.
Nay tuy đã vui điền viên cùng con cháu, không tham gia công tác chính quyền, đoàn thể nữa, nhưng CCB Đỗ Xuân Bộ luôn tâm niệm, đã là người lính thì đâu cũng là mặt trận; xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh đó cũng là nghĩa vụ, là bổn phận của người lính Cụ Hồ.
Tạ Vĩnh Hải