Ký ức ngày toàn thắng

Đại tá, CCB Trần Hậu Tám.

Tôi tìm gặp CCB, Đại tá Trần Hậu Tám - nguyên Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh khi ông vừa đi dự gặp mặt đại biểu CCB, cựu TNXP tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Thủ đô Hà Nội về. Trên gương mặt tràn đầy niềm tự hào, phấn khởi, ông vui vẻ kể cho tôi nghe về quãng đời 40 năm quân ngũ của mình. Đặc biệt là những ngày tháng Tư năm 1975 lịch sử.

Sau nhiều ngày điều nghiên, chuẩn bị chiến trường, lên phương án tác chiến, 5 giờ 45 phút ngày 9-4-1975, Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam) thuộc Quân đoàn 4 là đơn vị chủ yếu cùng các đơn vị bạn nổ súng tiến công thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Để quyết giữ Xuân Lộc, địch tập trung lực lượng trang thiết bị, vũ khí quân sự gồm Sư đoàn bộ binh 18 do Chuẩn tướng Lê Minh Đạo chỉ huy; 1 trung đoàn thiết giáp, 1 liên đoàn biệt động quân, 9 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo binh và các lực lượng cảnh sát, dân vệ tại chỗ (tương đương 2 sư đoàn bộ binh)… quá trình chiến đấu được chi viện của hỏa lực pháo binh và không quân. Khi chiến sự xảy ra, địch tăng cường Lữ đoàn dù 1, Trung đoàn BB 8 (Sư đoàn 5); 1 liên đoàn biệt động quân và 1 trung đoàn thiết giáp.

Sau 3 ngày chiến đấu, mặc dù ta đã chiếm được dinh tỉnh trưởng và một số khu vực trong nội thị, nhưng  địch nhanh chóng củng cố lại thế trận, tăng cường sử dụng xe tăng, thiết giáp và chi viện trực tiếp bằng pháo binh, không quân điên cuồng phản kích để chiếm lại những vị trí đã mất. Ở thế giằng co, do vừa mới ở miền Bắc vào, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nên bộ đội ta cũng gặp nhiều khó khăn, tổn thất lớn. Sau khi nghiên cứu, đánh giá diễn biến trận đánh, ta quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện mới được điều động đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài.

Lúc đó, tôi là Chính trị viên Đại đội 16 (súng máy phòng không 12,7 ly) trực thuộc Trung đoàn 266, trực tiếp chỉ huy một phân đội phối thuộc với Tiểu đoàn BB 7. Khoảng 9 giờ 30 sáng 13-4-1975, khi lực lượng Tiểu đoàn rút ra và tạm dừng tại khu vực con suối nhỏ, bên suối có một cây xoài độc lập cao lớn, cành lá xum xuê và trĩu quả. Sau mấy ngày quần nhau với địch, nhìn ai cũng hốc hác, mệt mỏi cộng với nắng nóng và khát, mọi người tranh thủ múc nước gội đầu, rửa mặt và cho vào bình tông. Khichiến sĩ thông tin 2W mở máy bắt liên lạc với các đơn vị “Sông Hồng gọi sông Thao, sông Hồng gọi sông Thao… nghe rõ trả lời”. Vừa nhận tín hiệu liên lạc thì thật bất ngờ một giọng nữ Nam bộ chen vào: “Mấy ảnh Việt cộng ơi, các ảnh đang ở dưới gốc cây độc lập phải đi lẹ lên không dính pháo đó…”. Dù bán tín, bán nghi nhưng đồng chí Tiểu đoàn trưởng vẫn quyết định cơ động ngay, vì cây độc lập thường là vật chuẩn cho pháo cối. Chúng tôi vừa rời đi được khoảng 300m thì mấy loạt pháo nổ ầm ầm vào khu vực đơn vị vừa mới dừng chân, khói lửa, đất đá mịt mù, cành cây gãy răng rắc, thật là may mắn.

Rạng sáng 21-4, thị xã Xuân Lộc được giải phóng, “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn - Gia Định đã mở toang. Thừa thắng, quân ta nhanh chóng phát triển chiến đấu.

Tối 24-4, giữa một con suối cạn phía nam ngã ba Dầu Giây, Trung đoàn triệu tập cuộc họp đột xuất, thành phần gồm Bí thư Đảng ủy, chính trị viên các đại đội trực thuộc. Sau khi nghe phản ánh tình hình tư tưởng của bộ đội trong mấy ngày chiến đấu, Thiếu tá Nguyễn Tấn Miên - Bí thư Đảng - Chính ủy Trung đoàn thông báo: Hiện nay Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đang báo cáo và xin Bộ Chính trị được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Các đồng chí là đảng viên phải quán triệt đầy đủ và tuyệt đối giữ bí mật.

Đêm 26 rạng sáng 27-4, trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta tiến đánh Chi khu Trảng Bom.Tại đây đại đội tôi hy sinh 3, bị thương 4 đồng chí. Trung đoàn đánh chiếm Hố Nai, Suối Đĩa, Suối Máu; tại đây, tối 28-4, một quả cối 81 của địch trúng vào một khẩu đội đang triển khai công sự, làm bị thương 10 đồng chí. Ngày 29-4, chúng tôi vào sân bay Biên Hòa.

Ngày 30-4, cùng đoàn quân tiến về Dinh Độc Lập, hàng vạn người dân thành phố Sài Gòn ùa ra đường chào đón, tặng chúng tôi hoa quả, bánh kẹo… tất cả hô to “Quân giải phóng muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”… tôi đi mà cứ ngỡ như trong mơ.

Chúng tôi dừng lại một đêm trước Dinh Độc Lập. Khuôn mặt cán bộ, chiến sĩ đều hốc hác vì nhiều đêm không ngủ. Anh Uông Văn Thung (nhập ngũ tháng 10-1974, quê Hưng Lộc, TP Vinh) là pháo thủ số 2, vác thân súng 12,7ly nặng 34kg vừa đi vừa chạy nên hai vai bị bóc hai miếng da như bàn tay đỏ loét; anh Phạm Ngọc Sỹ (nhập ngũ tháng 5-1972) là pháo thủ số 5 người nhỏ thó, mang một hộp đạn hơn 10kg trong ba lô, da lưng cũng bong rộp hai mảng lớn… nhưng mọi người ai cũng vui vẻ và tự hào, vinh dự được đi đến trận chiến cuối cùng.

Nhớ lại những ngày ấy, tôi lại bùi ngùi nhớ thương những đồng đội đã đổ máu hy sinh ngay trước giờ toàn thắng.

Lê Anh Thi