Ký ức ngày khai trường
Lễ Quốc khánh với những rộn ràng như muốn níu kéo lại những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè ngọt ngào của các cô cậu học trò. Quốc khánh, trong ký ức tôi thời thơ trẻ vần còn rạo rực đến bây giờ. Những đoàn cổ động, những trận bóng đá, những trò chơi chào mừng ngày Tết Độc lập của dân tộc diễn ra ở khắp các thôn cùng, ngõ hẹp. Khí thế cách mạng hừng hực lên từ người lớn, thanh niên, cụ già đến trẻ nhỏ ai nấy đều vô cùng hân hoan với một tình cảm chân thành phát ra từ chính trái tim mình. Tết Độc lập mỗi năm khép lại là sự tất tả chuẩn bị cho ngày khai trường.
Tôi nhớ, năm nào cũng vậy, mẹ vẫn là người vất vả nhất tần tảo sáng khuya. Mẹ bàn với cha năm nay mình bốn đứa đi khai giảng nên phải làm gạo để bán nhiều hơn mới đủ tiền mua sắm cho sắp nhỏ. Cha đang làm mộc dừng tay, trầm ngâm rồi nói với mẹ bán lúa cho bớt vất vả, nhưng mẹ không đồng ý mẹ nói phải làm thành gạo, bỏ công ra mà lấy cám nuôi lợn, lấy tấm nuôi gà, lấy trấu đun. Thế là mấy ngày đêm liên tục trước ngày khai giảng, mẹ làm việc cật lực tập trung vào xay giã, sàng sảy để phân lúa thành gạo, trấu, tấm, cám. Gạo trắng phau, thơm lừng được mẹ dùng lon sữa bò đong đếm rất cẩn thận.
Thường thì sáng 3 và 4-9, mẹ đi chợ sớm. Lặng lẽ, sắp đặt rồi nhón chân nhè nhẹ sợ đàn con thức giấc. Những ngày này, đòn gánh trên vai mẹ oằn xuống nhiều hơn vì phải bán gạo nhiều hơn những tháng ngày thường. Mặt trời ló rạng đằng đông, mẹ đã bán xong và len lỏi khắp chợ với muôn vàn thứ phải mua. Bao giờ mẹ cũng tập trung ưu tiên cho việc mua quần áo mới, bút vở, đồ dùng học tập cho các con trước. Rời chợ bước chân của mẹ lại thoăn thoắt cùng đôi quang gánh về nhà với quần áo, bút vở, đồ dùng học tập mới trong sự vui mừng khôn xiết của đàn con. Mẹ quyệt mồ hôi bằng cánh tay, nở nụ cười méo mó, mãn nguyện. Thương mẹ, lũ con luôn nổ lực phấn đấu học hành “cho có tương lai” như lời mẹ dặn. Mẹ lặng lẽ móc từ túi áo ra từng đồng tiền lẻ còn lại, nâng niu vuốt đếm từng tờ dôi dư sau khi lo đủ cơm gạo, áo tiền, mắm muối cho những ngày tiếp theo, lòng mẹ nao nao niềm hạnh phúc nhìn đàn con thử bộ đồ mới, áo trắng, quần xanh, dép đỏ, thi nhau bình phẩm tỏ rõ sự sung sướng vô bờ.
Cha dừng công việc, chỉ dẫn từng đứa dùng báo cũ bao bìa, viết nhãn, rồi xoa đầu từng đứa, bảo con trai đi cắt tóc cho gọn gàng, con gái chà rửa chân cho sạch đẹp, hết hè rồi lo mà đi học.
Buổi khai giảng rộn ràng, náo nhiệt sau hơn một giờ thì vào lớp học. Tất cả đều dùng sách cũ, mỗi tổ 8 người 2 bộ sách xếp ở đầu bàn trước mặt tổ trưởng và tổ phó. Sách cũ mòn sờn qua nhiều thế hệ nhưng tuyệt nhiên là còn nguyên vẹn, chuyền tay nhau đọc, học bài ai cũng có ý thức giữ gìn và trân trọng từng trang, sách cũ, mà vui, bạn bè thêm gắn bó gần gũi. Bạn bè cùng tổ chia làm hai nhóm học, dù thích hay không cũng phải ngồi chép, soạn bài chung dưới ngọn đèn dầu, hôm nay nhà mình ngày mai nhà bạn, sách vở, bút mực, trái cây, khoai sắn, khoảng sân, góc vườn… như là của chung.
Hành trang đến trường khai giảng của tuổi thơ bạn bè quê tôi còn có hương lúa, hương vườn và cả hương bùn đất, rơm rạ. Hương mồ hôi cha sau những buổi cày trưa, bừa muộn. Cha bảo cố gắng bỏ công làm thêm để mùa màng bội thu có tiền mua đồ mới cho lũ nhỏ buổi khai trường. Vãn việc đồng áng, cha tìm công làm thợ mộc, thợ xây, làm hàng xáo. Làm hàng xáo là đi mua lúa ở các chợ, dùng xe đạp thồ về rồi xay, giã, sàng sảy thành gạo, tấm, để bán và cám chăn nuôi... Việc gì cũng làm, chỉ để phục vụ các con học tập, xong xuôi mới tính chuyện sửa cửa, lợp lại nhà chống dột... Hồi ấy đa phần dụng cụ học tập vừa hiếm, vừa đắt nên cha mẹ nào cũng lo xa. Người lớn lo nghĩ, trẻ nhỏ chờ mong hồi hộp sung sướng hít hà những hương vị ngọt ngào có từ đất đai, cây cỏ.
Bạn bè tôi, đa phần phải tự lo từ lúc lên chín lên mười bằng nhiều việc nhỏ như: mò cua bắt ốc, cắt cỏ, giữ em, chăn trâu bò, chắt mót dành dụm rồi cũng đủ cặp sách tựu trường.
Gian khổ là thế nhưng luôn tràn ngập hạnh phúc yêu thương; hương vị của ngày khai giảng năm xưa cứ mãi lan tỏa ngọt trong ký ức tôi... Cứ đến cuối tháng 8, thì trong tôi lại trào dâng hình ảnh của sách vở, bút mực, thước kẻ, cặp da, khăn quàng, quần áo mới. Với tôi, khi tuổi đời càng càng lớn tôi càng thấy da diết nhớ thương hơn về những buổi khai trường đã xa.
Nguyễn Bá Thuyết