Ký ức ngày đầu chiến tranh

Trận địa pháo phòng không trên núi Dũng Quyết bảo vệ T.P Vinh những năm chống Mỹ.

(Tiếp theo kỳ trước)

Một sáng tháng 3-1967, đang giờ học (lớp 4), chúng tôi nghe tiếng máy bay từ biển bay vào. Lập tức, đạn pháo của ta nổ, rồi dân làng reo hò máy bay rơi. Chúng tôi ào ra, đứng ở bờ đồng cạnh lán học, thấy máy bay như bó đuốc lao dần xuống phía cánh đồng, cách mép biển chừng 200m. Một chiếc nữa rơi ở phía bắc xóm Đan Lĩnh, giáp xã Xuân Trường. Cùng lúc có tiếng reo to: "Phi công... phi công nhảy... dù bà con ơi". Nhìn lên trời, tôi thấy hai chiếc dù to dần; từng múi dù màu xanh, trắng, đỏ rất đẹp, từ từ rơi xuống cánh rừng phi lao cách lán học của chúng tôi một cánh đồng hẹp. Sau này nghe người lớn kháo nhau giặc lái cố gắng điều khiển dù ra biển, để đồng bọn dễ cứu. Chỉ một chút nữa thì chúng lái được dù ra biển.

Thấy giặc lái nhảy dù, dân quân gọi nhau chạy rầm rập, súng đạn lên nòng lách cách. Có chú nào bắn mấy phát chỉ thiên uy hiếp giặc lái. Đó đây, trẻ con sợ kêu khóc inh ỏi... Khi dân quân lên đến nơi thì bà Cháu Thiền (xóm Đan Thắng) và cô Chắt Cới (xóm Đan Kiều, vợ chú Chắt Sơn - Bí thư Đảng ủy xã) đang vun khoai gần đó đã nhanh chân chạy tới, vung cào lên, rồi lấy liềm cắt cỏ cắt dây áo của nó, nhưng nhùng nhằng không đứt, làm thằng giặc lái vái như tế sao.... Sau đó thì dân quân nhanh chóng hót gọn. Tôi còn nghe người ta kể, thằng giặc lái mót đái, nhưng bị người vây xung quanh; không thể nín nhịn, hắn bèn rẽ sang ngồi sụp xuống giữa hai luống khoai để tè. Mấy vị, có cả các cô không hiểu, cứ bám sát nó... Sau này chống chế rằng: phải bám sát, sợ nó tranh thủ dùng điện đài cất giấu trong người để liên lạc với đồng bọn...

Hai thằng giặc lái được đưa về nhà bà Nhuận Can, xóm Đan Lĩnh. Chiều đó, chúng tôi sang xin được xem, nhưng dân quân giấu kín dưới hầm; đến tối, người của Huyện đội xuống giải đi. Cũng từ đó, chuyện "Mẹ Thiền, chị Cới bắt phi công" trở nên nổi tiếng khắp tỉnh. Phóng viên báo đài về gặp nhân chứng liên tục.

Chiếc máy bay rơi ở cuối xóm Đan Lĩnh cháy chỉ còn một nhúm xác, còn chiếc rơi ở đồng Cựa Nác thì nhiều bộ phận còn nguyên dạng. Qua nhiều lần bị dân quê tôi “phanh thây, xé xác" nhưng cũng phải mất hàng chục năm sau xác nó mới mất hẳn. Có một điều mãi đến bây giờ, sau hơn 50 năm tôi vẫn không tin nổi là vì lý do gì mà đám trẻ quê tôi không đứa nào mất mạng vì hàng nghìn quả bom bi từ chiếc máy bay rơi này?

Chuyện là khi chiếc máy bay rơi, có tới bốn quả bom bi mẹ trên máy bay còn nguyên vẹn với hàng nghìn bom con - loại bom quả cam. Tránh thương vong cho mọi người đến xem xác máy bay hay tháo gỡ nó, ngay khi lửa tắt, dân quân đã cho thu nhặt, rồi chuyển hết số bom bi này đem chôn chỗ khác. Đám trẻ chăn bò bí mật theo dõi, biết được mấy hố chôn bom.

Không biết đứa nào đầu têu mà sau chừng một năm từ khi máy bay rơi, đám trẻ chăn bò làng tôi và mấy làng lân cận trở thành những "chuyên gia công binh" lão luyện. Có bao nhiêu bom bi mà dân quân chôn giấu, chúng tôi đào bới tìm bằng hết. Rồi đứa nào đứa nấy, khi đi chăn bò hay cắt cỏ, kiếm củi, đều lượm vài chục quả bom bi, chọn ngồi khuất cạnh một gốc cây phi lao, hai tay hai quả gõ vào nhau - gõ đúng vòng đai khớp nối hai nửa quả bom. Gõ một lúc thì vòng đai long ra, quả bom tách thành hai nửa như ta bổ đôi quả cam. Chúng tôi cạy lấy kíp nổ giống như hộp cao Sao Vàng ở giữa quả bom, rồi ném vào gốc cây, vào tường gạch cho nổ. Thuốc bom đem đốt cháy sáng, rất thơm. Vỏ thì dùng búa đinh đập vỡ ra, lấy viên bi, như bi dùng cho trục giữa xe đạp, để bắn chim. Dùng súng cao su để bắn loại bi này cực hay.

Mặc dù không hăng hái lắm trong chuyện tháo bom bi, nhưng nhiều hôm đi chăn bò hay cắt cỏ, tôi cũng bới nhặt vài chục quả, đập tháo ngon lành. Chiều nào cũng vậy, những cánh rừng phi lao sát biển quê tôi chẳng khác gì công binh xưởng, tiếng đập gõ tháo bom râm ran. Kíp bom được chúng tôi ném nổ đì đùng...

Thuốc bom bi chúng tôi lấy về đốt không hết, vứt lung tung, gà ăn phải say quay cuồng một lúc rồi lăn ra chết. Nhìn gà say thuốc quay quay rất buồn cười. Có đứa bị cha mẹ cho ăn đòn vì đưa thuốc về "đánh bả" gà. Khi đó nuôi được con gà đâu có dễ như bây giờ!

Hết tháo bom, có đứa ở xóm Đan Lương (hình như là chú Sơn him) mày mò tháo sang kíp nổ. Không biết chọc ngoáy thế nào, kíp phát nổ làm toe ngón tay. Đến đó mới hết trò tháo bom. Nhưng kỳ thực lúc đó cả nghìn quả bom bói không còn quả nào nữa.  

Nhiều năm sau, mỗi khi nghĩ về chuyện đập tháo bom bi, tôi không khỏi rùng mình khiếp sợ. Chỉ có đấng siêu nhiên nào đó, hay đức Thành hoàng mấy làng tôi thương tình che chở, cứu vớt nên chúng tôi mới tai qua nạn khỏi, không đứa nào mất mạng. Chuyện li kì chỉ có ở xã tôi. Tôi tin trên thế gian này không thể có chuyện thứ hai như vậy!

Duy Tường