Ký ức một thời bão lửa
Hướng về kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng TP. Đà Nẵng, vừa qua, Đoàn Pháo binh 575 thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà đã phối hợp với chùa Hưng Quang tổ chức Lễ cầu siêu, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của Đoàn tại Đài tưởng niệm, ghi danh liệt sĩ ở đồi Dương Lâm, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang và tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn (10-3-1966 - 10-3-2016).
Lễ cầu siêu và buổi gặp mặt diễn ra thật sự xúc động. Những ký ức chiến tranh ùa về trong tâm thức của hàng trăm CCB đơn vị và người dân các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hoà Vang (Đà Nẵng)-đã từng thời cưu mang, che chở cho đơn vị chiến đấu và trưởng thành suốt trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng ác liệt, đầy hy sinh, gian khổ. Buổi găp mặt còn có các đồng chí Nguyễn Văn Chi-nguyên UVBCT, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TƯ; Lê Công Thạnh, năm nay gần tuổi 90, nguyên Phó chính uỷ mặt trận 44; Trung tướng Phùng Khắc Đăng-Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, nguyên chiến sĩ từ buổi đầu thành lập đơn vị, các Mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND, đại diện Thành ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng...
Đại tá Phạm Văn Dưỡng-nguyên Chính uỷ Đoàn nhớ lại: “Từ miền Bắc, sau gần 2 tháng hành quân vượt trên 1.000km đầy khó khăn, gian khổ, đơn vị có mặt ở chiến trường ngày 30-4-1967 và lập tức bắt tay vào củng cố đơn vị, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, xây dựng hậu cứ, quyết tâm ra quân chiến đấu thắng lợi ngay từ trận đầu. Đêm 14-7-1967, đơn vị đã bắn 200 quả đạn pháo vào sân bay Đà Nẵng đều trúng các mục tiêu, diệt trên 500 tên địch, phần lớn là nhân viên kỷ thuật, giặc lái Mỹ, phá huỷ 87 máy bay, 250 xe quân sự, tiêu hủy kho chứa bom, đạn rốc két, 7 triệu lít xăng, sân bay tê liệt hoàn toàn trong vòng 7 ngày. Đại tá Ma Loi (Mỹ), Chỉ huy sân bay phải thốt lên: “Đây là thiệt hại lớn nhất so với các sân bay bị đánh ở miền Nam Việt Nam”. Gần 10 năm chiến đấu, đơn vị đã đánh hơn 500 trận, 2/3 trong số đó là đánh sân bay Đà Nẵng, tiêu diệt 6.000 tên địch, phá hủy hàng nghìn máy bay, xe quân sự, đạn pháo các loại, hàng triệu lít xăng… Đoàn 575 được tuyên dương Anh hùng LLVTND, được tặng thưởng hàng trăm huân chương cao quý”. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những ký ức, chiến công, đặc biệt là hình ảnh, sự anh dũng, kiên cường của gần một nghìn cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã vĩnh viễn nằm xuống mãi mãi in đậm trong tâm tư, tình cảm của những người còn sống.
Có mặt tại Đà Nẵng trước ngày tổ chức cầu siêu và gặp mặt đơn vị, đi thăm lại đồng đội, Trung tướng Phùng Khắc Đăng bồi hồi nhớ lại: “Đời quân ngũ của tôi trải qua nhiều đơn vị, nhiều chiến trường, nhưng trong tôi mãi không bao giờ quên nơi đầu tiên đã rèn luyện, giáo dục tôi trở thành người quân nhân cách mạng, đó là Đoàn Pháo binh 575 anh hùng. Cứ mỗi lần viếng thăm, hương khói cho đồng đội ở Đài tưởng niệm, ghi danh hơn 600 liệt sĩ ở đồi Dương Lâm, lòng tôi trào dâng xúc động, tưởng nhớ đến đồng đội lòng tôi thương tiếc vô ngần. Đọc những dòng tên liệt sĩ, nước mắt tôi cứ trào ra, hiện lên từng khuôn mặt đồng đội thân thương, cá tính, lẫn tiếng nói trong trẻo của một thời trai trẻ và quá khứ chiến tranh lại hiện về với bao khuôn mặt của những người cha, người mẹ, người chị, người em bám trụ ở Điện Bàn, Đại Lộc, Hoà Vang, Liên Chiểu-những người mà không có họ, chắc gì chúng tôi còn sống sót, chắc gì đơn vị trụ vững chiến đấu trong suốt những năm tháng mưa bom bão đạn của thời chống Mỹ. Lòng dân rộng vô cùng, cưu mang chúng tôi từ miếng cơm, manh áo, nhà nào cũng có hầm bí mật chở che từng cán bộ, chiến sĩ, chôn giấu vũ khí, đạn dược. Những người dân đã góp phần vô cùng lớn lao vào chiến công chung đơn vị, dội những trận bão lửa xuống đầu thù. Chúng tôi thật lòng biết ơn tất cả những người dân vĩ đại, anh hùng nơi đây. Anh em chúng tôi luôn nguyện sống xứng đáng với đồng đội đã khuất, xứng đáng với tấm lòng nhân dân Quảng Đà vô cùng yêu dấu”,
Đồng chí Nguyễn Văn Chi hết sức xúc động khi gặp lại những người lính 575 từ Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Hưng Yên… năm nào, hôm nay có mặt ở đây để ôn lại một thời sát cánh bên nhau chiến đấu với quân thù, ôn lại mối tình quân dân thắm thiết. Ông kể, hiện nay ở Điện Sơn, có mẹ vẫn còn thờ, còn giỗ cho những người con Đoàn 575; nhiều mẹ, nhiều chị vẫn ngóng trông một ngày gặp lại những người con đất Bắc còn sống cho thỏa lòng ước mong. Và ông mãi không quên năm 1969, quân thù phản kích dữ dội, chưa kể những mất mát, hy sinh của bộ đội và nhân dân, mà cái đói cũng thật sự ghê người. Có lúc, bộ đội 575 đem biếu cho Huyện uỷ 15 lon gạo và chỉ để dành nấu cháo cho các đồng chí đau ốm. Tình quân dân trong hoàn cảnh nghiệt ngã không có ngôn ngữ nào tả hết, nói hết được. Đươc biết, từ tình cảm sâu xa nhất với đơn vị, nhiều năm qua, ông thường xuyên đi thăm lại những người lính 575 và ông cũng là người tích cực nhất trong việc vận động sự hỗ trợ nhiều nơi. TP. Đà Nẵng xây dựng nên Đài tưởng niệm và ghi danh các liệt sĩ ở đồi Dương Lâm-đây là công trình lịch sử, văn hoá, nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Còn biết bao câu chuyện kể về Đoàn 575 anh dũng, biết bao chuyện kể về gương hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, và cả tấm lòng trung hậu của những người dân nơi đơn vị đi qua, đứng chân để chiến đấu. Những người lính pháo binh 575 hôm nay luôn tràn ngập tâm tư, tình cảm và trách nhiệm với đồng đội đã khuất, đồng đội còn sống và mãi nhớ về những người dân đã góp công lớn cùng đơn vị và toàn quân, toàn dân, để đất nước hoà bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Bài và ảnh: Nguyễn Phát-Nhân Mùi