Ký sự lịch sử của Hoàng Thế Chinh: Võ tướng Lê Phụng Hiểu (29/06/2010)

Trong những năm tại vị, nhà vua đã đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng sửa soạn tâm thế cho người kế vị. Người con đó là trưởng nam Lý Phật Mã, được phong làm Hoàng thái tử năm 12 tuổi, được vua cha cho ra sống ở cung “Long Đức” phía ngoại thành, để hàng ngày tiếp xúc với thực tế cuộc sống của thần dân. Khi đã trưởng thành, Lý Phật Mã được cử đi đánh giặc Chiêm Thành ở phía Nam, dẹp loạn ở Phong Châu, cai quản xứ Diễn Châu xa xôi.

Theo đúng di chiếu thì Lý Phật Mã được “kế vị” trị quốc bình thiên hạ, khi Lý Công Uẩn băng hà, nhưng các hoàng đệ không chịu. Khi vua cha vừa nhắm mắt, các hoàng tử Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương bỏ qua chữ hiếu, liên minh, đưa quân đến vây thành để tranh ngôi Thái tử. Họ quyết chờ khi Lý Phật Mã xuất hiện thì xông ra đánh úp, nếu thằng thì tính đến chuyện phân chia quyền bính cho nhau.

Khi biết rõ tin dữ, Lý Phật Mã tổ chức việc canh phòng cung cấm, mời các triều thần tâm phúc, tin cậy đến bàn việc đối phó với tình hình nguy hiểm ở Nội cung, và nói với các bậc lão thần, trung thần: “Ta lấy làm xấu hổ là Tiên đế mới mất chưa quàn, mà cốt nhục đã giết nhau, há chẳng để cho muôn đời cười chê!”.

Sau đó, ông cử người ra khuyên nhủ các em hạ khí giới, vào triều chịu tang cha, thực hiện di chiếu, không nên gây bạo loạn, thần dân nghe tin, biết dựa vào ai. Song cả ba hoàng đệ của Thái tử không chịu nghe lời khuyên vào làm đạo hiếu trong cung mà lại xua quân vào gây rối trong kinh thành.

Lý Phật Mã đơn phương lo tang lễ cho cha, vừa buồn về tình huynh đệ, vừa không biết xử lý ra sao cho trong ấm, ngoài êm; còn các đại thần tâm phúc lại muốn Lý Phật Tử ra tay trừng trị bọn đàn em phản nghịch. Có người tâu thẳng:

“Không nghĩ nghĩa cha con, không đếm xỉa tình cốt nhục, không nghĩ đến sự bình yên của sơn hà xã tắc, chỉ chăm chăm lo việc cướp ngôi, những người như thế đúng là giặc rồi, không thể coi là anh em được nữa, phải nhanh tay trừ khử”.

Lý Phật Mã kiên trì nói lại: “Ta muốn thuyết phục các vương đệ để họ tự ý rút quân, thì họ không gây ra tội ác, chứ cứ kéo quân ra giao chiến có khó gì đâu, nhưng làm thế thì còn mặt mũi nào?”.

Thấy Lý Phật Mã dùng dằng chưa quyết, quân sĩ của ba hoàng đệ đã vây chặt kinh thành, các võ tướng Lê Nhân Nghĩa, Quách Thịnh, Dương Bình cùng đứng lên, kiên quyết giục Thái tử ra tay kẻo muộn, thần dân lo lắng, lũ giặc hai đầu đất nước dòm vào.

Trước tình thế khó khăn, ngàn cân treo sợi tóc, Lý Phật Mã rất đau lòng nói:

“Ta chỉ dành tâm trí vào việc làm lễ thành phúc trước linh cữu của Tiên Đế thôi, mọi việc thế nào do các ngươi định liệu”.

Vừa nói dứt lời, một võ tướng đã rút gươm chạy như bay ra ngoài cung xông thẳng vào chỗ Võ Đức Vương đang đứng, vung kiếm thét lên:

“Các hoàng tử muốn tranh giành ngôi báu, không nghĩ đến Tiên Đế vừa băng hà, không vâng lời di chiếu, rõ ràng là quân phản nghịch, tôi xin dâng các ngài thanh kiếm này”

Lưỡi kiếm vung lên, đầu Võ Đức Vương lìa khỏi cổ, bọn tướng sĩ của phe phản nghịch hoảng sợ bỏ chạy tán loạn, mấy đội phục binh bên ngoài hoảng hốt vội chạy tháo lui, hai hoàng tử còn lại là Đông Chính Vương và Dực Thanh Vương cũng lên ngựa chạy trốn. Bi kịch năm Mậu Thìn (1028) kết thúc, tin vui vang khắp mọi nơi, thần dân tứ phương phấn khởi vui mừng khôn xiết loại trừ đại họa.

Vị dũng tướng trung thần của đầu triều Lý vung kiếm giết chết hoàng tử Võ Đức Vương năm Thìn ấy chính là Lê Phụng Hiểu, người làng Băng Sơn (nay là thôn Bưng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), một vị trung thần nổi tiếng, trong lúc sơn hà nguy biến, hiểu ý của vua, ra tay xông lên diệt lũ phản nghịch lập lại tôn ti trật tự, giúp vua đưa Đại Việt ngày càng hưng thịnh.

Các bậc trung thần tâm phúc đều được vua khen thưởng hậu, riêng dũng tướng họ Lê được vua ban đặc ân khác thường.

Theo sử sách chép lại, khi ông về làng và trèo lên núi Băng Sơn, tay quăng một con dao ra xa, dao rơi xuống đâu thì ông được lấy đất đến đó làm “điền sản” của riêng mình. Dao ném xa đến hơn mười dặm, nên ruộng thưởng cho Lê Phụng Hiếu kéo dài đến tận làng Đa Mi; phần thưởng của vua ban gọi là “Lệ thác đao điền.”

HTC