Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân
Nhân đọc trên mạng bài xã luận của Hoàn Cầu Thời báo bàn về việc "Trung Quốc đang cô độc, mất bạn", viết ngày 22-2-2013, tuy cách đây đã hơn 2 năm nhưng tính thời sự còn rất mới, xin lược lại mấy đoạn chính: "Trên thế giới nay, Trung Quốc đang thiếu những người bạn thực sự"... "Cảm giác bị phản bội và cô độc nay liên tục đeo bám xã hội Trung Quốc.
Thời gian gần đây, giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thường xuyên xảy ra sự tranh chấp về lãnh thổ hoặc va chạm xung quanh vấn đề lợi ích quốc gia, Triều Tiên bất chấp lợi ích của Trung Quốc để phát triển vũ khí hạt nhân khiến nhiều người Trung Quốc phải than rằng: Trên thế giới này, Trung Quốc đang thiếu những "người bạn thực sự". Cảm giác bị phản bội và cô độc này liên tục đeo bám xã hội Trung Quốc...". Hoàn Cầu Thời báo chuyển sang lý giải khái niệm "bạn bè" trong quan hệ quốc tế: "Các quốc gia kết giao với nhau thường gọi nhau là "bạn bè", tuy nhiên hàm nghĩa của từ "bạn bè" trong quan hệ quốc tế không giống trong cuộc sống đời thường, các quốc gia coi trọng lợi ích, coi nhẹ tình cảm, khái niệm "bạn bè", "kẻ thù" thường không tuyệt đối và cũng rất dễ dàng chuyển đổi... Trong bối cảnh hiện tại, quan hệ giữa các quốc gia thường duy trì ở mức không là kẻ thù cũng không là bạn, theo đuổi những lợi ích chung, thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia thường là sách lược, được đề cao trong quan hệ quốc tế. Khi lợi ích then chốt của hai bên bị động chạm, mối quan hệ giữa các quốc gia thường trở nên lạnh nhạt, căng thẳng, thậm chí trong một thời gian ngắn và trong một số vấn đề, cả hai coi nhau là kẻ thù. Nên cố gắng né tránh mối quan hệ này, ít nhất là không nên để xuất hiện quá nhiều".
Để trấn an bạn đọc trong nước, Hoàn Cầu Thời báo so sánh Trung Quốc với Mỹ và lý giải: "Với vai trò là nước lớn đang trỗi dậy, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc vẫn chưa thể so sánh với Mỹ. Sự lớn mạnh nhưng chưa lớn mạnh hoàn toàn của Trung Quốc đã đem lại một số nhân tố bất xác định cho chính bản thân Trung Quốc và thế giới trong quá trình thay đổi cục diện sức mạnh và cục diện lợi ích của thế giới. Sự trưởng thành của Trung Quốc vấp phải sự cản trở lớn từ Mỹ và phương Tây và bản thân lực cản cũng là bất xác định. Trong hoàn cảnh này, các quốc gia khác sẽ rất do dự khi "phát triển quan hệ đồng minh với Trung Quốc ...".
Đối với một vấn đề tâm lý xã hội mang tính đại sự của nhân dân Trung Quốc, quả nhiên Hoàn Cầu Thời báo đã đưa ra một bài xã luận đầy tính... "bất xác định"! Thứ nhất: lập luận hoàn toàn chủ quan, cố tình bỏ qua nguyên nhân đích thực của sự "cô độc, mất bạn" là do "sự tranh chấp lãnh thổ và va chạm lợi ích quốc gia" với các nước láng giềng một cách phi lý, không phân biệt trắng đen, phải trái (như việc dùng vũ lực đánh chiếm các vùng biển đảo chưa bao giờ có chủ quyền, như tự ý vẽ ra cái lưỡi bò chín khúc, bồi đắp các bãi đá xâm chiếm thành đảo lớn, có sân bay, bến cảng, đòi độc quyền chiếm biển Đông...) bị cả thế giới lên án. Thứ hai: cố tình lẫn lộn một cách thực dụng và vị kỷ giữa chiến lược với sách lược, cư xử với các nước láng giềng chẳng ra bạn, chẳng ra thù, nói "hữu nghị", làm "gây hấn", dẫn đến ai cũng phải "vừa bang giao vừa cảnh giác", không có bạn thực sự. Thứ ba: Không biết mình cũng chẳng biết người, kinh tế vừa thoát khỏi cảnh "nhất bần nhị bạch", ngấp nghé ngồi vào ghế "siêu cường"... đã ứng xử theo lối lộng hành, bá chủ, bất chấp luật pháp quốc tế.
Việt Nam so với Trung Quốc vừa là nước nhỏ lại vừa mới thoát khỏi bao vây cấm vận của Mỹ được vài chục năm nay. Nhưng tâm lý xã hội của nhân dân Việt Nam lại rất tự hào phấn khởi, bạn bè ngày càng nhiều, kẻ thù ngày càng ít, các đối tượng qua hai cuộc kháng chiến đều lần lượt chuyển hóa thành đối tác, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao...
Vì sao có tình trạng đó? Vì Việt Nam luôn tuân theo phương châm "thêm bạn bớt thù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, với tinh thần Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Phương châm, đường lối đó xuất phát từ một chân lý được cả hai nền văn hóa Đông-Tây khẳng định. Ở phương Đông, không ai khác, chính đại triết gia Khổng Tử (551-479 TCN) đã giảng cho học trò Tử Cống về lòng nhân ái: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (cái gì mình không muốn, đừng làm với người khác). Còn ở phương Tây, trong nền văn hoá Pháp, từ xa xưa đã lưu truyền câu ngạn ngữ: Ne fais pas à autrui ce que tu ne voudrais pas qu'on te fỵt (Đừng làm với người khác cái mà bạn không muốn người ta làm với bạn), được coi là quy tắc ứng xử làm nền tảng cho đạo lý sơ đẳng.
Làm trái đạo lý của tổ tiên, đạo lý sơ đẳng của cả loài người thì "bị phản bội và cô độc" là hiện thực chứ đâu chỉ là cảm giác?
Thiếu tướng GS Bùi Phan Kỳ