Kỷ niệm với rặng trâm bầu

Đầu mùa khô năm 1975, sau một chặng dài hành quân từ đất bạn, đơn vị chúng tôi về đến tận miền Tây Nam Bộ, nơi kênh rạch chằng chịt; một ngày vượt qua không biết bao nhiêu cầu khỉ, cùng vượt sông, băng lộ vào ban đêm…

Kỷ niệm đầu tiên đối với chúng tôi về rặng trâm bầu thật khó quên! Đêm ấy, đơn vị hành quân qua cánh đồng, dân vừa cắt lúa xong, dưới ánh trăng bàng bạc. Khi tới mé bờ kênh, được lệnh trên cho phép nghỉ ngơi chờ đi tiếp. Chúng tôi thấy phía trước, một hàng cây xanh, tán rộng, dưới gốc khá trống trải.

Bỗng có tiếng reo khe khẽ: “Ổi nhiều quá chúng mày ơi!” rồi ba, bốn thằng thi nhau trèo lên tìm trái chín. Tốp thì đứng phía dưới chờ mấy thằng trên cây thảy trái xuống… Chưa thấy trái nào thì đột nhiên có tiếng la oai oái, rồi có thằng tuột tay rớt “bịch” xuống, bất kể dưới gốc có trúng ai hay không. Tụi nó vừa phủi đầu, phủi tai lia lịa, vừa nói không ra hơi: “Kiến, kiến cắn!”…

Anh Hai - Đại đội phó, người quê Trà Vinh đang đi kiểm tra đội hình, thấy cảnh đó liền ôm bụng cười và nói: “Trâm bầu là nơi ở của kiến vàng, chọc mần chi cho nó cắn tụt quần!”. Mà tụt quần thiệt! Giống kiến vàng có những miếng cắn “độc”: Luồn sâu vô chỗ hiểm mà cắn, buốt đến tận óc. Trời ơi, lúc đó chúng tôi mới tỉnh người và nhận ra sự nhầm lẫn của mình vì quê ngoài Bắc không có cây trâm bầu mà ban đêm cây này ở đây nhìn rất giống cây ổi…

Từ đó, cây trâm bầu gắn bó với những người chiến sĩ chúng tôi qua những tháng ngày chiến đấu gian khổ. Đắp công sự có cây trâm bầu làm đà thì càng chắc chắn. Nấu cơm bên bờ kênh có củi trâm bầu… Mắc võng nghỉ ngơi dưới rặng trâm bầu, nghe câu vọng cổ mùi mẫn của vùng quê sông nước, đưa vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Đơn vị chúng tôi tiếp tục hành quân chiến đấu; thực hiện phương châm dân vận đã thuộc nằm lòng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân Nam Bộ hiền lành. Có một lần, bác Năm chủ nhà, nhờ chúng tôi bửa đống cây trâm bầu làm củi. Lính ta ỷ vào sức khỏe tuổi mười chín, hai mươi; cứ cầm búa bổ xuống cật lực nhưng khúc trâm bầu vẫn cứng đầu! Thấy vậy, bác Năm bước lại, ôn tồn nói: Ông bà xưa từng nói “Bửa củi coi thớ, lấy vợ coi mông”. Mấy chú phải lựa thớ của nó mới bửa ra được! - rồi bác làm thử cho xem.

Quả nhiên từng thanh củi được bửa ra khá dễ dàng khi bác Năm lựa theo từng thớ gỗ. Củi trâm bầu tươi thì bửa dễ, còn củi trâm bầu khô thì bửa khó trần ai! Từng thớ gỗ trâm bầu vặn vẹo vào nhau, tạo thành một thớ gỗ cuộn xoắn, không dễ gì tách ra nếu không dùng mẹo của lão nông tri điền.

Với chiến trường sông nước Nam Bộ, cây trâm bầu trở thành người bạn thân thiết của người chiến sĩ. Rặng trâm bầu che mưa che nắng; che cả mắt kẻ thù như trong lời bài hát “Rặng trâm bầu” lắng đọng ngỡ còn vọng lại đâu đây: “Mênh mông biển rộng gió lộng từ nơi đâu/ Gió mát xa đưa những rặng trâm bầu/ Rặng trâm bầu cây che mưa che nắng/ Rung rinh lá ngụy trang, tươi xanh giữ vẹn màu…”.

Rặng trâm bầu cây đứng kề bên nhau, tạo nên bức trường thành xanh vững chắc trước mưa gió, bão bùng. Rặng trâm bầu chắn gió chướng thổi từ biển, giữ nếp bình yên cho đồng lúa, cho vườn cây trái sum suê.

Dưới rặng trâm bầu, người chiến sĩ dừng chân nghỉ trên những chặng đường hành quân. Bầy chim trao trảo gọi bầy kêu không ngớt trong vòm lá xanh. Gió cứ thổi lồng lộng, từng cành lá ưỡn mình; rặng trâm bầu đưa tấm lưng trần trước gió như thách thức cùng thiên nhiên.

Những rặng trâm bầu bây giờ vẫn còn nhiều khắp nẻo quê vùng Nam Bộ sông nước vì đây là loài cây chịu mưa, chịu nắng; từng chùm rễ cần cù, bám sâu vào lòng đất để đứng vững “một tấc không đi, một ly không rời” như con người chốn này một thuở.

Chợt từ đâu đây vang lên bài “Rặng trâm bầu”- bài hát một thời được ca sĩ Thu Hiền và Kiều Hưng cùng thể hiện làm ngây ngất bao người: “Cho em hỏi rằng có ở nơi đâu/ Bát ngát xa trông những rặng trâm bầu/ Rặng trâm bầu như nơi quê hương em yêu dấu/ Uống nước - nước dòng sông/ Cây xanh thắm - thắm một màu…”. (*)

Lê Đức Đồng (CCB - chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 307, Trung đoàn U Minh, QK 9).

…………….

(*). Rặng trâm bầu - Nhạc và lời: Thái Cơ.