Kỷ niệm với bác Đồng Sĩ Nguyên

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên  (giữa hàng đầu) cùng Ban chỉ đạo và Tổ biên soạn lịch sử Bộ đội Trường Sơn, năm 1999.

(Tiếp theo kỳ trước)

Phải nhìn Đồng Lộc với nhiều góc độ

Khi giúp bác Nguyên thể hiện cuốn hồi ký thứ hai “Với cả cuộc đời”, viết đến chặng bác làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, phụ trách Tiền phương Tổng cục ở Nam Khu 4, tôi thấy bác trăn trở nhiều về Ngã ba Đồng Lộc. Rồi bác khuyên tôi: “Chú tập trung nghiên cứu sâu về Ngã ba Đồng Lộc, làm luận văn Tiến sĩ về Đồng Lộc. Chú làm được, cứ làm rồi tôi giúp!”.

Theo bác thì Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng của tinh thần chiến đấu, hy sinh cực kỳ quả cảm của quân và dân ta; tiêu biểu là bội đội, thanh niên xung phong… Nhưng từ trước đến nay, người ta chỉ thấy mặt tích cực đó, mà chưa ai nói tới những hạn chế, yếu kém của ta về chiến thuật vận tải quân sự, ít nhất trong giai đoạn đầu ở đây.

Bác cho rằng, Ngã ba Đồng Lộc, giao điểm của đường 15A với tỉnh lộ 2 Hà Tĩnh, là điểm trũng, xung quanh núi đồi bao bọc. Khi Mỹ tiến hành chiến tranh ngăn chặn thì đây là “tử huyệt”. Địch nắm được quy luật hoạt động của ta, nên hằng ngày cứ cuối buổi chiếu, chúng cho bay bay đến ném vài chục quả bom xuống ngã ba, buộc ta phải dồn sức san lấp hố bom, trần lưng ra chịu bom đạn, bởi chúng còn ném bom tọa độ “cầm canh”, sát thương người và xe. Mà theo bác, mỗi quả bom ném xuống chỗ trũng, sức phá hủy đường sá bằng hàng chục quả bom ném vào sườn đồi, núi…

Chỉ khi vào phụ trách cơ quan Tiền phương Tổng cục Hậu cần, thấy được “tử huyệt” nói trên, bác Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh tiền phương tổ chức mở nhiều đường nhánh, đường tránh đi theo các triền đồi núi, mới hạn chế được tổn thất, thương vong.

Bác cho rằng các chuyên gia quân sự, các học giả phải nhìn Ngã ba Đồng Lộc dưới con mắt phản biện. Không phải cái gì ta cũng tài giỏi, còn địch là yếu kém tất. Cổ nhân từng dạy “Biết địch biết ta, trăm trận không bại” là vậy!

Các chú lấy hết thì khó là phải!  

Tiến tới kỷ niệm 40 năm Ngày mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.1999), năm 1998, bác Nguyên trực tiếp chỉ đạo biên soạn cuốn “Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh”. Lãnh đạo một Bộ hỗ trợ bác 400 triệu đồng để biên soạn, xuất bản (400 triệu đồng khi đó là khoản tiền rất lớn). Một lần nghe chỉ huy Binh đoàn 12 kêu khó rút số tiền đó, bác Nguyên vừa cười vừa hỏi: “Chú định lấy cả phải không? Các chú định lấy cả thì khó là phải! Không cần nhiều đâu, tặng lại họ chiếc phích, bộ tách trà…”.

“Nhân bảo như thần bảo”, lần gặp sau, Thiếu tướng Trần Bá Tòng vui vẻ thông báo với bác Nguyên đã lấy hết tiền rồi.

“Thượng đế” là người mua sách hay là chú?

Cuốn hồi ký “Đường xuyên Trường Sơn” sau khi tôi giúp bác Nguyên viết xong, được Nhà xuất bản QĐND đưa vào kế hoạch xuất bản. Ngoài số lượng hơn 2.000 cuốn do Nhà xuất bản QĐND phát hành, bác bảo tôi cho in thêm hơn 4.000 cuốn. Liền đó, bác viết thư để tôi trực tiếp đến gặp lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Binh đoàn 12… xin số lượng cụ thể; vì lãnh đạo các đơn vị biết bác viết hồi ký, nên “đăng ký” trước với bác sẽ lấy cấp cho cán bộ, công nhân đọc… Bác còn nói: “Các anh ấy hứa lấy sách phát cho cán bộ đọc, tôi mới đồng ý, còn lấy về “cất” ở văn phòng thì thôi…”.

Những ngày đó, bác liên tục hỏi tôi kết quả làm việc với các đơn vị. Một hôm, nghe tôi thưa đã làm việc với các đơn vị, đang chờ họ lên ký hợp đồng mua sách, bác liền hỏi: “Thế “Thượng đế” là người mua sách hay là chú?”. Biết mình sai, nhưng tôi chống chế rằng là người viết và biên tập, tôi đã “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nay cầm thư của bác đi “giao dịch” lại làm phần việc của người phát hành rồi. Bác cười cười rồi bảo tôi “Vụng chèo khéo chống, vụng đẽo khéo chữa”. Rồi bác nhẹ nhàng dặn: “Nếu coi khách hàng là thượng đế đúng nghĩa thì Giám đốc Nhà xuất bản kéo nhân viên đi cùng, cầm theo con dấu xuống đơn vị, làm hợp đồng bán sách dưới đó. Chứ không phải ngồi ở nhà rồi triệu người ta đến ký hợp đồng…”.

Nhân một chuyến công tác ở Nghệ An, bác còn đi xe đến Nhà xuất bản, lấy mấy trăm cuốn sách đưa vào giao cho Quân khu 4.

Nghe bác dạy, chứng kiến những việc làm dù rất nhỏ của bác, tôi thấy mình cần phải học cả đời!

Chú viết cái gì cho mình đi!

May mắn giúp được bác Nguyên đôi ba việc, nhân ngày sinh của bác, hay mỗi độ lễ, Tết, tôi thường đến thăm, mừng sức khỏe bác. Những lần đó, bác hỏi thăm con cái, nhà cửa, công việc đơn vị, viết lách… Biết tôi vẫn giúp vị này, vị kia viết hồi ký, hay viết sử cho các đơn vị, không dưới ba lần bác giục: “Viết cho người khác thế được rồi, chú tranh thủ viết cái gì cho mình, của mình đi. Chú viết tiểu thuyết được đó. Cô Lê Thị Mây (nhà thơ Quảng Bình) có lần nói với tôi, nếu đọc được trước cuốn hồi ký “Đường xuyên Trường Sơn” chú viết giúp tôi, thì cô ấy viết trường ca gì đó về nữ thanh niên xung phong Trường Sơn khác hơn, hay hơn; hay như cô bạn nhà văn Nguyễn Cẩm Thạnh, rất thích cách chú viết bộ ba hồi ký của tôi. Bà ấy còn đăng đàn trên báo đề nghị đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông…”.

Như một đấng sinh thành, bác Nguyên động viên, dạy dỗ tôi biết bao điều; nhưng đến ngày tiễn biệt bác đi xa, điều mà bác mong tôi viết được chút gì của mình, tôi vẫn chưa làm được! Viết về mình, của mình sao khó quá bác ơi!

Tháng 5-2019

Duy Tường