Kỷ niệm về một bài báo (24/06/2010)
Tiểu đội học viên của tôi toàn là cán bộ tiểu đội, trung đội đã qua chiến đấu trong những sư đoàn chủ lực tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 hoặc ở biên giới Tây Nam. Mỗi người một đơn vị khác nhau nhưng thân tình như anh em trong nhà. Những lúc rỗi rãi, chúng tôi thường tâm sự, kể cho nhau nghe mọi chuyện. Trong những câu chuyện ấy, tôi ám ảnh về một người thợ máy trong đội chiếu phim của trung đoàn, năm 1968, huấn luyện tân binh ba tháng rồi vào miền Nam hơn 10 năm, chỉ làm thợ máy chiếu phim. Hai tháng cuối cùng của cuộc đời, anh về phép thăm gia đình ngoài miền Bắc, tìm hiểu, cưới vợ được một tuần rồi trở về đơn vị cũ phía Nam. Tới đơn vị hôm trước, hôm sau anh cùng đội đi chiếu phim phục vụ một làng người dân tộc mở hội, nhưng giữa đường đội bị địch phục kích. Chúng nổ mìn, ném lựu đạn rồi rút chạy. Người lính chiến thì vũ khí bất ly thân, người có chết súng mới mất, mới hỏng. Còn đội chiếu phim thì máy móc, thước phim là vũ khí. Trong lúc đồng đội nổ súng đánh trả thì anh ôm chiếc máy chiếu xoay sở, che chắn và bị trúng đạn của kẻ thù. Anh hy sinh nhưng chiếc máy chiếu được bảo vệ an toàn. Nơi anh nằm xuống là một đoạn suối cạn, dưới chân đồi mọc toàn cỏ tranh lẫn những bụi cây lúp xúp.
Sau nhiều lần hỏi han, tìm tòi, nung nấu, tôi viết thành một bài lấy đầu đề là “Chị dâu tôi”, nói về sự lỡ dở của người con gái lấy chồng sau một tuần người chồng ấy đi chiến đấu và ca ngợi sự hy sinh của anh thợ máy. Tôi đọc cho cả tiểu đội nghe trong một lần nghỉ giải lao ở thao trường. Hôm ấy, tất cả mọi người đã lặng đi, cùng với mấy cánh tay giơ lên định đón tờ giấy để đọc đi, đọc lại thì tiểu đội phó bỗng nấc lên. Anh vừa lau nước mắt vừa nói: “Mình không cầm lòng được”. Sau đó, mỗi người góp một ý và giục tôi sửa lại để gửi cho Toà soạn báo. Tôi đã sửa lại thành bài văn của cả tiểu đội nhưng không gửi đi mà cất kỹ trong ba lô làm kỷ niệm. Trong thời gian học tập, được sự động viên của tiểu đội, tôi viết nhiều tin, bài về huấn luyện, chấp hành kỷ luật… Thậm chí một buổi chủ nhật giúp chị nuôi nấu được nồi canh ngọt, cách ngâm và đãi hạt bo bo ăn cho ngon (ngày ấy chúng tôi ăn bo bo thay gạo), tôi cũng viết và trở thành cộng tác viên tích cực của đài truyền thanh nhà trường…
Thấm thoắt ba năm học tập trôi qua, chúng tôi nhận bằng tốt nghiệp và lưu luyến chia tay nhau để về đơn vị mới. Người được ra đảo Phú Quốc, có người quyết định ghi rõ là về một đơn vị tình nguyện đang hoạt động trên đất bạn Cam-pu-chia. Tôi được ra biên giới phía Bắc. Ai cũng chúc tôi cố gắng viết báo để nói về đời lính gian khổ và vinh dự giúp các anh… Nhưng nhiệm vụ chỉ huy, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị cơ sở rất vất vả và cuốn hút, tôi viết thêm những bài mới và chịu khó ghi nhật ký, chép lại những cảm xúc bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày và không quên lời dặn dò của đồng đội trong buổi chia tay ở Trường sĩ quan Lục quân 2.
Rồi tôi được chuyển về gần Hà Nội, thời gian thong thả hơn, lại có nhiều sách báo để đọc. Dần dần, điều mong muốn của tiểu đội năm xưa như giục giã tôi nhiều hơn. Cuối năm 1992, tôi sửa lại bài “Chị dâu tôi”, đánh máy rồi gửi cho báo Quân đội nhân dân. Trên đường từ bưu điện trở về, tôi đã ngẩng lên nhìn trời và thầm gọi: “Tiểu đội 2, Lực ơi, Trọng ơi… các bạn đang ở đâu. Hôm nay mình mới gửi bài viết “Chị dâu tôi” của chúng mình. Thằng nào chết rồi thì phù hộ cho bài báo được đăng”…
Thật bất ngờ, cuối buổi chiều một ngày của tháng 1-1993, tôi được báo có khách chờ ngoài cổng doanh trại. Tưởng ai, thì ra là thủ trưởng cũ, nay anh đang làm việc ở một cơ quan trên Bộ. Vừa trao mấy tờ báo Quân đội nhân dân cho tôi, anh vừa nói: “Hôm nay đọc báo thấy bài của chú. Anh mua thêm để chú làm kỷ niệm”. Bất ngờ quá, tôi bàng hoàng và run lên, reo thật to rồi ôm chầm lấy anh. Trời se lạnh mà nước mắt tôi chảy ra ấm nóng.
Tối hôm ấy, đơn vị xôn xao về tôi có bài đăng báo. Anh em tới chúc mừng, đọc bài và bắt khao. Mãi khuya tôi mới rảnh để đọc kỹ bài báo. Nó được biên tập cắt đi gần một phần ba, vẫn giữ nguyên cốt chuyện và nhân vật, tất nhiên là hay hơn. Tôi đọc đi, đọc lại đến thuộc lòng, rồi đọc sang cả những bài khác. Niềm vui cứ trào dâng. Tôi nhớ đến tiểu đội học viên của tôi năm trước, không biết bây giờ ai còn, ai mất, có ai hôm nay đọc bài báo này không! Bài báo mang đầy kỷ niệm sâu sắc mà 14 năm trước tôi đã đọc cho cả tiểu đội nghe rồi cùng sửa trên thao trường.
Tô Kiều Thẩm