Kỷ niệm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam (22-5): Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Với vị trí địa lý của mình, hằng năm thiên tai đem lại những hậu quả hết sức nặng nề cho nước ta cả về vật chất lẫn sinh mạng con người tại khắp mọi vùng miền. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, ở khu vực đồng bằng và miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề do băng tuyết và giá lạnh làm chết hàng nghìn con trâu bò và hàng chục nghìn héc-ta rau màu, cây công nghiệp; sau đó là việc xâm nhập mặn và hạn hán tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, khu vực ĐBSCL và khu vực Tây Nguyên khiến gần 457.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 248.000 ha lúa bị mất trắng, 18.335ha hoa màu bị chết, 55.650ha cây ăn quả bị hỏng hoàn toàn, thiệt hại về các loại cây công nghiệp là 129.000ha; thiệt hại về thủy sản là hơn 5.000ha; ước tính tổng thiệt hại là 9.020 tỷ đồng. Đấy là chưa kể đến chuyện mùa mưa bão sắp đến, thiệt hại hằng năm do mưa bão, lũ lụt gây ra ở nước ta là không hề nhỏ, nhất là tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và các địa phương ven biển… Nước ta hiện nằm trong số 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới. Thống kê cho thấy, 10 năm gần đây, bình quân mỗi năm, có khoảng 750 người chết và mất tích do thiên tai, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP. Theo dự báo, trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai với tần suất nhiều hơn, cường độ mạnh hơn do chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hậu quả của thiên tai là hết sức to lớn nhưng chống chọi với thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân chúng ta, đã tạo cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm đối phó với thiên tai, để sống chung với lũ, sống chung với hạn, dành ra một phần lớn nhân lực, vật lực, kinh phí để đối phó với thiên tai, bảo vệ cuộc sống người dân. Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính” và nguyên tắc thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, các địa phương trong cả nước với lực lượng chuyên nghiệp cũng như sự tham gia tích cực của cả cộng đồng, trong đó có lực lượng CCB chúng ta, hy vọng, những hậu quả do thiên tai đem lại sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, bảo vệ được tài sản và tính mạng người dân.
Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai là công việc thường xuyên của tất cả chúng ta.
Thanh Huyền