Kỷ niệm Ngày truyền thống bộ đội pháo phòng không (1-4): Kỷ niệm không quên của vị tướng

Trước đây, khi đến thăm hiện vật này, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích-nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 367 từ ngày mới thành lập, đã kể lại cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội pháo phòng không những kỷ niệm mà theo ông là “không thể nào quên” trong những ngày gian lao vất vả Trung đoàn đã vượt qua để đi đến chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ năm xưa.
Ngày 1-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn pháo cao xạ 367-trung đoàn pháo phòng không đầu tiên. Theo quyết định, Trung đoàn gồm 6 tiểu đoàn hỏa lực mang phiên hiệu 381, 383, 385, 392, 394, 396, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội pháo cao xạ 37mm (12 khẩu) và một đại đội súng máy 12,7mm (12 khẩu). Sau một thời gian huấn luyện tại Trung Quốc kết hợp tiếp nhận vũ khí, khí tài, xe máy do Liên Xô giúp, ngày 24-11-1953, Trung đoàn hành quân về nước chiến đấu. Ngày 21-12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn công pháo 351 và Trung đoàn pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Quang Bích là chỉ huy phó cuộc hành quân. Cuộc hành quân đưa những khẩu pháo 2,5 tấn qua bao đèo dốc, núi cao, vực sâu là bản hùng ca bất tử của bộ đội pháo phòng không. Những địa danh đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin, suối Nà Nham, đỉnh Pha Sông, vực Nậm Khô Hu, cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu là những cái tên không thể quên được với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367, cũng như không thể quên tiếng hò kéo pháo đêm đêm náo động núi rừng Điện Biên.
Ngày 25-1-1954, Trung đoàn đưa được một đại đội pháo vào bố trí tại cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu đúng theo kế hoạch của trên giao. Nhưng lúc này địch tăng cường lực lượng lên Điện Biên Phủ, tổ chức hệ thống phòng thủ khá vững chắc. Trước tình hình không thể “đánh nhanh giải quyết nhanh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm chiến dịch sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định sáng suốt, chính xác, bảo đảm cho chiến thắng sau này. Nhưng với bộ đội pháo phòng không lúc đó việc rút pháo ra là một gian nan thử thách. Có thể nói cuộc kéo pháo bằng tay trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một sự kiện phi thường, đầy tính anh hùng ca của bộ đội pháo binh, pháo phòng không của QĐND Việt Nam. Trung đoàn đã cùng bộ đội công binh, bộ binh bạt đồi, xẻ núi, mở các con đường men theo các sườn núi quanh lòng chảo Điện Biên Phủ để pháo binh và pháo cao xạ có thể cơ động chiến đấu.
Ngày 13-3-1953, đợt 1 chiến dịch bắt đầu, tham gia có hai tiểu đoàn pháo cao xạ 383 và 394. Tám giờ sáng 14-4, Đại đội 815 (Tiểu đoàn 383) bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đợt 1, Trung đoàn 367 bắn rơi 14 máy bay các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác. Để tăng cường lực lượng chiến đấu, các tiểu đoàn 396, 381, 385 và 392 lần lượt được đưa vào chiến đấu đợt 2 và đợt 3. Như vậy, đến cuối tháng 3-1954, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn pháo cao xạ 367 (sáu tiểu đoàn hỏa lực) đã tham gia chiến đấu: 383, 394, 381, 396 chiến đấu ở Điện Biên Phủ và bảo vệ hậu phương chiến dịch; hai tiểu đoàn 392, 385 chiến đấu bảo vệ hậu phương chiến lược.
Trong 56 ngày đêm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Trung đoàn pháo cao xạ 367-đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch đã bắn rơi 52 máy bay và bắn bị thương 117 chiếc máy bay khác của quân Pháp. Tại lễ mừng công diễn ra ở cánh đồng Mường Phăng ngày 13-5-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương Trung đoàn: “Đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, hành quân chiến đấu giỏi, giữ được an toàn người và xe, pháo, giữ được bí mật, giành được yếu tố bất ngờ về chiến thuật; rất dũng cảm trong chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ yểm hộ bộ binh, pháo binh, đặc biệt trong nhiệm vụ khống chế vùng trời, cắt đứt con đường tiếp tế và tăng viện hàng không duy nhất của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung…”. Trung đoàn được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhì, 25 Huân chương Quân công hạng ba, 27 Huân chương Chiến công hạng nhất; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại; liệt sĩ Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội do có thành tích cứu được khẩu pháo số hiệu 510681 lao xuống dốc. “Đã nhiều năm trôi qua, tiếng “hò dô ta” vẫn cứ ngân vang trong lòng tôi. Tôi luôn nhớ về các đồng chí đồng đội, những chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn 367”-Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích nghẹn ngào, xúc động.
Duy Quang