Chị Xuân với lớp học “Nhân ái”.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm, nhưng chị không có cơ hội “làm cô giáo” ngay mà nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự. Đến năm 1978 phục viên, chị mới được chuyển ngành về dạy học.

Năm 2004 nghỉ hưu, vốn là giáo viên của một Trường tiểu học danh tiếng của T.P Tây Ninh, chị quyết định mở lớp học nhân ái cho những em tật nguyền, sức khỏe yếu không được đi học.

Nghĩ là làm, được chính quyền địa phương chấp thuận, chị mở lớp ngay tại nhà. Lúc đầu lớp của chị mới có 1 học sinh, nhưng mỗi ngày một đông, đến nay lên tới 20 em, từ 6 đến 20 tuổi. Tất cả bị tật nguyền. Có nhiều em hoàn cảnh gia đình rất đáng thương như em Hoàng Hồng Ngọc, ba mất sức lao động, mẹ bị bệnh tâm thần, Ngọc phải ở với bà ngoại đã già yếu; hoặc em Nguyễn Quốc Khánh, mẹ bị bệnh tâm thần, ba đi làm mướn...

Dạy một lớp học bình thường đã khó thì một lớp học đặc biệt như lớp học Nhân ái của chị Xuân càng khó hơn. Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, chị Xuân vẫn nhẫn nại dạy đi dạy lại nhiều lần, có em phải kèm riêng.

Sau một thời giam tham gia lớp học, các em đều tiến bộ, biết giao tiếp, lễ phép chào hỏi khi có khách đến thăm, biết nhường nhịn nhau và biết giúp đỡ người khác. Trong lớp có 5 học sinh có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cứ mỗi tháng chị Xuân lại trích tiền lương mua và phát cho mỗi em 10kg gạo.

Ông Đoàn Mạnh Kiện - Chủ tịch Hội CCB phường 3 T.P Tây Ninh cho biết: Không chỉ có tấm lòng nhân ái với các em nhỏ tật nguyền, CCB Phạm Thị Xuân còn là "mạnh thường quân" trong công tác từ thiện.

Mỗi tuần, chị Xuân còn tự nguyện nấu 100 suất cháo thịt băm phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Việc làm của chị Phạm Thị Xuân là tấm gương điển hình CCB học tập và làm theo lời Bác.

Hà Quang