Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6): Những kỷ niệm làm báo khó quên
Tác giả (thứ ba từ trái qua) cùng các đồng nghiệp (tháng 10-1988).
Cuối tháng 7-1988, hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp lớp đào tạo phóng viên quân sự (Khóa 3) tại Trường sĩ quan Chính trị, tôi háo hức được trở về vì đã thời gian dài xa anh em ở báo Binh đoàn Tây Nguyên. Hơn 1 tháng sau thì tôi có mặt tại Tòa soạn đang ở tạm trong khu căn cứ cũ của biệt kích Mỹ gần sân bay Pleiku và được cấp trên bổ nhiệm Phó tổng biên tập báo “Binh đoàn Tây Nguyên”.
Theo cơ chế lúc đó, Tổng biên tập do Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn - Đại tá Đặng Công Toàn kiêm nhiệm, chủ yếu lãnh đạo về chủ trương và duyệt bài cuối cùng. Còn toàn bộ công việc từ tổ chức tòa soạn, lập kế hoạch tuyên truyền, phân công phóng viên, lựa chọn tin bài, biên tập đến in ấn đều do Phó tổng biên tập đảm nhiệm. Khó khăn là vậy nhưng được anh em phóng viên, đều là những người có tâm, có nghề như: Xuân Đán, Hồng Sơn, Hồng Thanh Quang, Lê Hồng Đức… đồng tình ủng hộ nên tôi nhanh chóng đảm nhiệm được chức trách. Ở Tây Nguyên lúc này chưa bắt được sóng truyền hình, các báo thì ít và thường chậm vài ngày. Do vậy, cùng với các báo, đài địa phương, tờ “Binh đoàn Tây Nguyên” tuy khuôn khổ có hạn nhưng phản ánh kịp thời các hoạt động, công tác, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Nguyên nên luôn là món ăn tinh thần hấp dẫn của bộ đội.
Tây Nguyên thời kỳ này, đời sống nhân dân rất khó khăn, đặc biệt đồng bào ở vùng sâu, vùng xa phần lớn bị thiếu đói, tập tục lạc hậu còn nhiều, dịch bệnh phát triển; bọn FULRO vẫn ngấm ngầm hoạt động phá hoại; bom mìn, chất độc hóa học của địch trong chiến tranh còn lại tiếp tục gây hại... Từ thực tế đó, ngay ngày đầu trở lại, cùng với việc tập trung ổn định đời sống bộ đội, duy trì các chế độ sẵn sàng chiến đấu, Binh đoàn đã chủ động tham gia cùng địa phương xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, giữ vững an ninh chính trị, đồng thời tổ chức rà phá, tháo gỡ bom mìn, tiêu tẩy chất độc hóa học… hỗ trợ cho địa phương phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị mà Báo phải tập trung tuyên truyền. Sau khi ổn định tòa soạn, tôi sắp xếp công việc đi cơ sở viết bài.
Vào những ngày tháng 10-1988, hàng chục đội công tác của các đơn vị đang ở các buôn làng xa xôi hẻo lánh của Tây Nguyên. Đội công tác của Sư đoàn 320 do Đại úy Nguyễn Hồng Hải chỉ huy ở làng Book Rẫy, xã Đak Đoa thuộc huyện Mang Zang (Gia Lai), một địa bàn khó khăn về kinh tế - văn hóa và là điểm nóng về hoạt động phá hoại của bọn FULRO. Anh em vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa vận động và giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, thực hiện nếp sống văn hóa, ăn ở vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, khám và điều trị bệnh, giúp bà con ổn định cuộc sống. Đặc biệt, anh em đã tuyên truyền cảm hóa được 3 người trong hàng ngũ FULRO trở về với gia đình. Đến thăm làng vào những ngày đội công tác chuẩn bị kết thúc nhiệm vụ, vào nhà nào tôi cũng bắt gặp niềm vui của mọi người trên nụ cười, ánh mắt và được nghe kể nhiều chuyện về bộ đội. Cụ Blêu, bác Chi, anh Cang, anh Tút, chị Hrô đều bảo: “Bộ đội anh Hải cũng khổ như người của làng thế nhưng giỏi lắm, tốt lắm!”… Cùng với các hoạt động giúp dân, các đơn vị khẩn trương xây dựng doanh trại, tổ chức tăng gia sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống bộ đội.
Đầu tháng 3-1990, từ nguồn tin của bà con Jrai ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh về thùng chất độc hóa học mà bà con cho là “con ma rừng” vì có một thanh niên đi phát rẫy đã sờ vào và bị ngộ độc ngất lịm. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 21 phòng hóa (Quân đoàn 3) được lệnh đến kiểm tra, khắc phục cho nhân dân yên ổn làm ăn. Đến nơi, anh em xác định đây là thùng chất độc “hợp chất 24 Đ” của Mỹ, chủ yếu diệt cây nhưng nếu người nhiễm phải sẽ bị mất sức như trường hợp anh thanh niên kể trên, về lâu dài còn bị ảnh hưởng đến tế bào hồng cầu, làm con người ta chết dần và nếu sinh con rất dễ bị quái thai. Đối chiếu trên bản đồ thì đây là khu vực trước năm 1975 nằm trong vành đai bảo vệ thị xã Pleiku mà địch đã dùng chất độc hóa học để phát quang, như thế sẽ còn nhiều thùng khác. Sau gần 2 tháng tiến hành kiểm tra, anh em phát hiện, đưa đi tiêu hủy 1 quả bom, 25 thùng chất độc hóa học, giải phóng vùng đất hơn 40km2. Hôm anh em kết thúc nhiệm vụ, bà con dân làng đã vui mừng phấn khởi tập trung từ sớm để tiễn bộ đội về đơn vị. Già làng Rơ Chăm Ka lần lượt bắt tay Tiểu đoàn phó Nguyễn Duy Quang, Đại đội trưởng Đại đội 2 Nguyễn Đăng Khi, các chiến sĩ Nguyễn Thăng Thanh, Lê Việt Phương, Trần Thanh Hải,… những người trực tiếp làm nên chiến công và nói trong xúc động: “Ôi! Thế là từ nay không còn con ma rừng làm hại dân làng nữa. Cảm ơn bộ đội nhiều… nhiều lắm!”. Tôi đã có ghi chép “Nhờ có bộ đội từ nay không còn con ma rừng hại dân làng nữa”.
Tôi còn có một kỷ niệm khó quên là vào những ngày tháng 4-1991 đi cùng đội công tác của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) đến vận động và giúp đỡ bà con Jrai ở xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) làm lúa nước. Trong những ngày cùng bộ đội tuyên truyền, hướng dẫn bà con ở đây đào mương, làm đất và gieo lúa, tôi được gặp lại người du kích đã dẫn đường cho đơn vị chúng tôi vào tiến công địch ở đồn Tầm những ngày cuối năm 1972, đó là ông Rơ Châm Rú, ở làng Gào. Lúc này, tóc ông đã pha sương nhưng vẫn rất khỏe mạnh, luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng cuộc sống nên được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Ông cùng chúng tôi đến từng nhà giải thích cho bà con về cái lợi của việc trồng lúa nước, vừa cho năng suất cao, dễ làm, gần nhà lại bảo vệ được rừng. Nhờ có ông mà việc vận động bà con trồng lúa nước đạt kết quả tốt. Và ông đã trở thành một trong những nhân vật trong bài viết “Anh bộ đội và cây lúa nước trên đất rừng Ia Lang” của tôi…
Hùng Tấn