Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6): Nghệ sĩ và chiến sĩ
Nguyễn Văn Giá sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Kim Chung, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). 16 tuổi, anh đã nhập ngũ tham gia chiến đấu chống Pháp trên nhiều mặt trận: Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây và ngoại thành Hà Nội. 18 tuổi, anh được kết nạp Đảng. Nhiều năm, anh là lính chủ lực, thuộc Trung đoàn 48, Đại đoàn 320, chiến đấu trên địa bàn Hà Đông. Vừa chiến đấu, anh vừa là phóng viên nhiếp ảnh của Báo “Lính Đồng bằng”.
Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng. Nguyễn Văn Giá được cử sang Liên Xô học quay phim. Năm 1959, tốt nghiệp quay phim ở Liên Xô, về nước anh công tác tại Xưởng phim Thời sự tài liệu T.Ư; làm nhiều bộ phim tài liệu, phóng sự về sản xuất và chiến đấu của quân và dân ta.
Thời kỳ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, anh là phóng viên thường trú ở những địa bàn ác liệt: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,Vĩnh Linh. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968 của quân và dân ta ở miền Nam, tháng 10-1968, Nguyễn Văn Giá được cử vào chiến trường. Được biên chế thuộc Điện ảnh Khu 5, anh đã có mặt ở những địa bàn ác liệt nhất ở Quảng Đà, Quảng Ngãi, với những địa danh nổi tiếng: Đức Phổ, Bình Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn… Là nghệ sĩ, chiến sĩ, Nguyễn Văn Giá đã tham gia nhiều trận đánh, trực tiếp đối đầu với nhiều trận càn quy mô lớn của Mỹ - ngụy. Có cuộc, địch huy động hàng nghìn quân, hàng trăm xe tăng, càn quét hàng tháng ròng. Vừa chiến đấu, vừa tác nghiệp, anh đã quay được nhiều thước phim quý giá, ghi lại cuộc chiến đấu bi hùng của quân và dân ta trên chiến trường khốc liệt này.
Trong một trận đánh ở Đức Phổ, Quảng Ngãi vào tháng 7-1970 mà anh tham gia; bộ phim anh dự kiến quay một ngày nữa là hoàn thành, thì bất ngờ Mỹ đổ quân bao vây. Nguyễn Văn Giá và đồng đội không kịp rút lui. Với khẩu AK, anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để đồng đội rút lui và anh dũng hy sinh vào ngày 2-7-1970, khi tròn 40 tuổi.
Lực lượng Điện ảnh và Ban Tuyên huấn Khu 5 đau đớn, bàng hoàng trước sự hy sinh của Nguyễn Văn Giá. Nhân dân thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ thương tiếc người nghệ sĩ, chiến sĩ yêu quý của mình, mấy chục năm thường xuyên hương khói phần mộ anh, cho đến ngày anh được đưa về quê mẹ Hà Tây.
Một chiều xuân năm 1999, lòng người và tiết trời xuân dịu lại trong tiết Thanh minh; gia đình, người thân, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cùng Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư, Điện ảnh Khu 5, bạn bè đồng nghiệp của anh đã hội tụ về nghĩa trang liệt sĩ xã Kim Chung, huyện Hòa Đức, xúc động đón hài cốt anh về giữa lòng đất mẹ.
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm anh hôm đó, Đạo diễn, NSND Lê Mạnh Thích - Giám đốc Hãng phim Tài liệu xúc động nói: Thành tích của Hãng phim Anh hùng có công lao và máu xương của các liệt sĩ như Nguyễn Văn Giá. Trong danh sách các cán bộ, nhân viên của Hãng phim đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tên tuổi Nguyễn Văn Giá đứng hàng đầu…
Tôi muốn kể thêm gương hy sinh vô cùng dũng cảm, đầy xúc động và nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả thế giới cũng diễn ra tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cũng vào thời điểm đó, là gương Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Frederic Whiteshurt (thường gọi là Fred) - viên sĩ quan quân báo Mỹ tham chiến tại Đức Phổ vì cảm kích trước gương hy sinh của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã giữ lại cuốn Nhật ký của chị.
Năm 1972, Fred được rời khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam, để về Mỹ. Trong ba lô của anh ta có 2 cuốn Nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, 50 tấm ảnh chụp những người dân Quảng Ngãi, cảnh chiến đấu của quân và dân nơi đây được ghi lại trong chiếc máy ảnh Canon bị bắn thủng mà anh ta lấy được trên xác một phóng viên Việt cộng (Nguyễn Văn Giá) và một chiếc đục nhỏ nằm kề bên xác một người thợ mộc già bị địch sát hại trong cuộc càn.
Từ đó, Việt Nam trở thành nỗi ám ảnh đối với người cựu binh Mỹ Fred. Sau nhiều năm gìn giữ, bảo quản những kỷ vật chiến trường, với lòng cảm phục, kính trọng, Fred đã trở lại Việt Nam tìm gặp gia đình và người thân của tác giả hai cuốn nhật ký và 50 tấm ảnh để trao trả lại chủ nhân đích thực; đồng thời nói lời xin lỗi, hối hận của những người lính Mỹ đã giết nữ bác sĩ Đăng Thùy Trâm, nghệ sĩ Nguyễn Văn Giá và nhiều người dân vô tội ở miền Nam Việt Nam.
Cuối cùng thì Fred đã thỏa nguyện. Anh đã gặp được mẹ và người thân của liệt sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm; gặp được chị Bùi Ngọc Hiên - vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, trả lại những kỷ vật quý giá mà anh ta cất giữ mấy chục năm. Dựa theo cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã thực hiện bộ phim “Đừng đốt”, được đông đảo khán giả đón nhận, ngợi ca. Còn 50 tấm ảnh là di vật vô giá của nghệ sĩ - chiến sĩ Nguyễn Văn Giá.
Phan Đình Mậu