Kỷ niệm 85 năm, ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10-1935 - 20-10-2015): Mẹ của Anh hùng
Vợ chồng ông bà Cẩn-Sinh có 8 người con trai. Sau một thời gian công tác tại xã nhà, ông thoát ly làm giáo viên rồi làm Chánh văn phòng Ủy ban huyện, Trưởng phòng nông nghiệp huyện. Suốt những năm đánh Mỹ và thời kỳ đất nước còn "đói nghèo trong rơm rạ" thì ở xứ gió Lào cát trắng Nghi Lộc, đời sống của người nông dân khó khăn đủ bề và gia cảnh con đông, chồng vắng nhà như gia đình ông bà Cẩn-Sinh lại càng vất vả hơn. Như lời bà kể, vì ông là một công chức mẫn cán, hết lòng vì công việc của cơ quan, tháng một đôi chủ nhật mới về nhà; nhiều khi còn dẫn theo một lô khách cơ quan về để bà phải lo cơm khách toát mồ hôi... Vì vậy, toàn bộ công việc nhà đều do bà gánh vác. Đôi vai nhỏ nhắn của cô thôn nữ oằn xuống bởi công việc đồng áng, rồi lăn trải trên ba sào vườn, góp nhóp từng hạt thóc củ khoai... nuôi bố mẹ chồng và tám người con ăn học.
Cảnh nhà khó khăn, chiến tranh khốc liệt, nhưng vượt lên tất cả, bà đã thu vén chu tất cơm ăn, áo mặc, rồi động viên các con chăm lo đèn sách. Thương mẹ cha, tám người con như trứng gà trứng vịt cũng sớm biết giúp mẹ việc nhà, chăm chỉ học hành. Năm 1972, con cả Nguyễn Đăng Giáp thi đỗ Trường đại học Mỏ địa chất, nhưng anh đã xung phong nhập ngũ, trở thành chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Lần lượt tiếp đó, các em Ngọ, Thọ, Hiền, Hùng, Trung, Hiếu, Thuận cũng vào bộ đội. Trong tám anh em thì Nguyễn Đăng Thọ đã chiến đấu hy sinh, là liệt sĩ.
Dù cho công việc gia đình, xã hội đè nặng đôi vai cô thôn nữ, nhưng nếp ăn nếp ở, phép ứng xử với bố mẹ chồng, với chồng con và bà con lối xóm... bà không hề làm mếch lòng ai. Suốt một đời bà làm lụng miệt mài, hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp của chồng con. Cũng vì vậy, trong thời kỳ chống Mỹ, năm nào bà cũng được bình bầu là "Phụ nữ Ba đảm đang", phụ nữ "Hai giỏi"; được dự Hội nghị điển hình tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh. Còn Nguyễn Đăng Giáp và các em của anh đều cảm nhận được ở người mẹ kính yêu của mình hội đủ những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam: "Công Dung Ngôn Hạnh", là "Phúc đức tại Mẫu" , "Vượng phu ích tử".
Đất nước hòa bình rồi bước vào thời kỳ đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống "vượt khó", trọng nghĩa khinh tài... của con người xứ Nghệ và dòng họ Nguyễn Đăng, lại được mẹ cha dạy dỗ động viên, con của các cụ đã quyết chí học hành, học ở trường lớp, trường đời và đều trở thành những sĩ quan ưu tú của Quân đội, những doanh nhân thành đạt. Đặc biệt, người con trai cả là Đại tá Nguyễn Đăng Giáp-Tổng giám đốc Tổng công ty 36, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Vượt bỏ mọi khó khăn, nuôi dạy tám con trai thành đạt, có người trở thành Anh hùng là đóng góp lớn lao cho đời của hai cụ Cẩn-Sinh.
Trên thực tế, không ít người mẹ có con cái thành đạt, khá giả, rất dễ mất đi đức tính căn cơ, cần kiệm một thời. Nhưng với cụ Sinh, lẫn trong niềm vui là tình thương, sự thấu hiểu, sẻ chia những nhọc nhằn toan lo mà con cái mình phải đối mặt với thương trường vô cùng nghiệt ngã. Bởi vậy, càng về cuối đời cụ lại càng tiết kiệm, từ vài số điện, đến quả chanh, quả ớt trong vườn. Có điều, trong khi chắt chiu nhặt nhạnh từng mớ rau, quả ổi... thì các cụ lại động viên, ủng hộ con mình bỏ tiền bạc, công sức tái thiết, nâng tầm đền Diên Cờ-một công trình văn hóa tâm linh của quê hương, xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ ở cao điểm 21 Gio Linh, Quảng Trị-những công trình này đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và làm nhiều việc tình nghĩa khác.
Ngày 1-6-2014, tôi là một trong số ít người "ngoại đạo" may mắn được dự buổi gặp mặt đầy ý nghĩa có một không hai của đại gia đình hai cụ Cẩn-Sinh, mà như lời của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, là các con cháu "tế sống" cha mẹ, ông bà. Trong không khí vui vầy đoàn tụ sau khi hai cụ vừa qua một kỳ điều trị bạo bệnh, các cụ nhẹ nhàng khuyên dạy con cháu những điều hay lẽ phải ở đời, trước khi phải đi xa; con cháu bộc bạch hết thảy tình cảm của mình với cha mẹ, ông bà...
Được hỏi về bí quyết sống khỏe, cụ Sinh trả lời không chút đắn đo: Đó là lao động và sống thanh đạm, giản đơn, đừng để bụng giận oán ai...
Về những điều cần dặn dò cháu con - cụ Sinh bộc bạch: Ước mong con cháu giữ được truyền thống của tổ tiên ông bà, kính trọng cha mẹ là quý nhất. Thứ đến là con cháu thương yêu nhau, sống cần kiệm, khiêm tốn, kín đáo, kín miệng hơn rào vườn. Còn việc lập thân lập nghiệp thì con cháu có điều kiện học cao hiểu rộng hơn cha mẹ, ông bà, không phải dặn gì nữa!
Về tình nghĩa vợ chồng sau hơn sáu chục năm chung sống, cụ Sinh rất tự hào: Đã là tình nghĩa vợ chồng là phải sắt son với nhau cho đến đầu bạc răng long. Cha mẹ khi trẻ đến với nhau vì yêu nhau, về già sống với nhau vì thương nhau.
Rồi cũng đến lúc cụ cho con cháu thưởng thức khả năng "thơ phú" của mình qua mấy câu lục bát, và cũng qua mấy câu văn vần này, tôi hiểu thêm tính độc lập, không muốn phiền hà con cháu của các cụ:
Thích dừ (giờ) trong túi sẵn tiền.
Ai mời ăn cưới không phiền cháu con
Ngày thì hai bữa cơm ngon
Cao lương chẳng thiết, có còn răng đâu !
Ba là con cháu rể dâu
Gia phong nền nếp, đứng đầu hiếu trung...
Đúng là người mẹ suốt đời hy sinh vì chồng vì con. Ngay cả lúc "bóng chiều đổ xuống cuộc đời", cụ cũng không muốn phiền hà con cháu. Dù vừa qua một cuộc đại phẫu mà trí tuệ vẫn tinh thông, đức cần kiệm vẫn không hề phôi phai. Đúng là phẩm chất của một bà mẹ Việt Nam!
Xin được lấy bài thơ "Về một người mẹ" của ông Lê Mai Đậu-bạn đồng niên viết tặng nhân cụ Sinh tròn tuổi 80, thay cho lời kết bài viết về người mẹ của Anh hùng.
Nức tiếng hiền thê đẹp vẹn toàn
Công Dung Ngôn Hạnh đức chồng ban
Thức khuya dậy sớm tề gia thất
"Sẻ áo nhường cơm" đạo xóm thôn
Đạo hiếu phụng thờ hai bố mẹ
Thay chồng nuôi dạy tám thằng con
Thủy chung người mẹ làng Đông Chử
Trọn nghĩa gia đình, nghĩa nước non.
Hưng Nguyễn