Kỷ niệm 80 Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh và Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6): Cánh đồng tuổi thơ
Trẻ em chơi kéo mo cau trên đồng lúa xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi.
Mỗi đời người ai cũng có một tuổi thơ của mình. Mỗi tuổi thơ ai cũng có miền ký ức, ở đó luôn cất giữ bao kỷ niệm một thời con trẻ. Cánh đồng tuổi thơ chính là không gian kỷ niệm, là thời gian hồi ức là niềm xanh thẳm đầu đời để ta gieo vào bao ước vọng trong trẻo nảy mầm tốt tươi trong ta...
Cánh đồng tuổi thơ mùa gặt với bao rơm rạ bộn bề. Những sợi rơm vàng thơm nắng qua bao mùa mưa bão vẫn giữ nguyên bền bỉ sức chịu đựng dẻo dai quấn quýt vào nhau mà thành mái tranh, mái rạ; mà nuôi bao bếp lửa thơm lừng cơm mới; mà cất lên thành cây rơm là cả kho lương thực cho những trâu, những bò nhai suốt mùa đông và gần gũi hơn với tuổi thơ là cánh đồng đốt rơm hun chuột, thổi nùn rơm nướng khoai, nướng cá nhen lên bao hương vị quê nhà. Vị rơm ngấm vào nức nở của thân khoai bùi ngọt và đậm đà vị béo của cá rô, cá quả... cứ thế xuýt xoa hôi hổi thổi. Và thật êm dịu biết bao khi lũ trẻ gối đầu lên, ngả lưng xuống tấm thảm rơm trên sân kho vừa trục xong lúa để thả bay bổng giấc mơ lên các chùm sao, tưởng tượng ông sao Thần nông buông cần câu cá; và sợi rơm, sợi tóc cứ đan cài nhau kéo vào giấc ngủ bình yên của đám trẻ chờ người lớn gọi dậy.
Và tuổi thơ tôi trong những năm chiến tranh với chiếc mũ rơm đội đầu để tránh mảnh đạn, mảnh bom cứ thấp thoáng dưới hào giao thông chạy theo bờ tre làng. Và những con cúi rơm bện thành những tấm khiêm, tấm chắn áp vào lũy tre lũy đất che chắn xung quanh lán học.
Lúa gặt rồi rơm rạ bó vào nhau, để lại nuôi sự sống hồi sinh. Đường rơm quấn quýt bước chân của tuổi thơ và chính rơm là sợi tơ óng chuốt để lũ chim tha về lót ổ thành cái kén vàng. Cánh đồng tuổi thơ chi chít những gốc rạ như tấm lưới nhưng không chụp xuống những bầy sẻ nâu bao giờ, mà chính những chân rạ ấy mời gọi lũ chim quẩn quanh nhặt những hạt thóc rơi vãi...
Nhớ những buổi chiều lộng gió cánh diều bay lên khoảng trời xanh mênh mông mà một đầu sợi dây được cắm vào phù sa màu mỡ cánh đồng. Tiếng sáo diều như hồn quê, hồn đồng véo von và da diết. Gió đồng bao luyến láy theo nhịp nhảy tung tăng của tuổi thơ của những dấn bước háo hức như muốn bay lên đến với thế giới tự do phóng khoáng. Chính cánh đồng là bệ phóng của bao ước vọng, con đê và dòng sông, cung trầm và cung bổng mà chính cánh đồng là bầu đàn chứa bao âm thanh đồng vọng.
Từ nhà ra vườn, từ vườn ra cánh đồng, tuổi thơ lần theo hành trình của sự khám phá tò mò, lần theo dấu chỉ của cỏ may, lần theo những luống cày luống rạ, lần theo những mùa vụ, lần theo những gieo những gặt, những hái những liềm. Mà cánh đồng thì luôn mênh mông mà mùa màng thì luôn nối vụ với bao đổi thay với bao bất ngờ sinh trưởng. Cánh đồng trải ra và cánh đồng xếp lại như trang sách. Và tuổi thơ lớn dần trên lưng trâu vắt vẻo cặp sừng như cánh nỏ; lại như cánh diều, lại như vầng trăng khuyết...
Cánh đồng tuổi thơ mặc áo phù sa màu nâu của đất, áo vàng của lúa, áo xanh của cỏ. Tấm áo tuổi thơ chật dần theo năm tháng, giọng nói tuổi thơ cũng đã vỡ ra giọng đồng giọng ruộng, tóc khét nắng hơn, móng chân móng tay đã ngấm vị bùn nhưng tâm hồn thì vẫn vẹn nguyện sự trong trẻo, trong sáng thuần khiết như tiếng sáo diều và nồng hậu chân tình như vị bùi cơm gạo mới. Và vẫn xôn xao như lửa reo trong bếp thổi rơm và vẫn nôn nao khi bất chợt nhận ra hương ngọt của vị cỏ mật, cỏ dại mà sao lưu luyến tỏ bày đến thế. Hương đồng là vị ruộng. Nhớ sao tháng 10 rạch nước cá rô phơi bụng lấp loáng, rồi tiếng ếch uôm uôm dạo nhạc cho ta hình dung mùa nước trắng đồng trắng bãi khi tuổi thơ tắm mưa, tắm trong khao khát tìm về sự lành nguyên trong trẻo. Và tôi đã viết: “Cánh đồng tuổi thơ gặt gió heo may/ Ngày cưỡi lưng trâu, diều trăng đêm thả/ Tiễn chú ve sầu qua cầu mùa hạ/ Nợ mây đền gió, nợ gió trả mưa”. Thì bây giờ tôi đã trả: Ơi cánh đồng tuổi thơ...
Ngọc Phú