Kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (2.1943 - 2.2023): Đề cương Văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử
Để chống lại chính sách văn hoá phản động của thực dân Pháp - phát xít Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc..., Đề cương Văn hóa Việt Nam, do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Hà Nội) vào tháng 2-1943.
Bản Đề cương Văn hoá Việt Nam nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập), Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).
Đề cương Văn hoá Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá. Bản Đề cương Văn hoá Việt Nam do đó đã góp phần tập hợp các nhà văn hoá, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong năm 1943, Hội Văn hoá Cứu quốc đã ra đời và tham gia vào Mặt trận Việt Minh.
Hơn một năm sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời, ngày 24-11-1946, Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc trọng thể tại Nhà hát lớn (Hà Nội). Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào Văn hóa toàn quốc và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự hội nghị. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người chỉ rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Thắng lợi của hội nghị này đã đặt cơ sở cho nền văn hóa mới ở Việt Nam.
Hai năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai do Đảng ta triệu tập, diễn ra từ ngày 16 đến 20-7-1948, tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hội nghị tập trung hầu hết các nhà lãnh đạo, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong toàn quốc về dự. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì Hội nghị. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Tổng Bí thư Trường Chinh đọc bản báo cáo quan trọng “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, chỉ rõ lập trường văn hóa cách mạng trên thế giới và ở nước ta. Đó là: “Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc. Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc. Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực XHCN làm gốc”.
Nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời của bản Đề cương Văn hóa Việt Nam, ngày 27-12-1983, đồng chí Trường Chinh (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) có bài phát biểu tại Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Về xây dựng nền văn hóa, đồng chí Trường Chinh nêu rõ: Đại hội lần thứ V của Đảng đã chỉ rõ nền văn hóa nước ta đang xây dựng là nền văn hóa có nội dung XHCN và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Theo đồng chí Trường Chinh, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ không những thấy sự lãnh đạo của Đảng là cần thiết mà còn gắn bó với Đảng từ trong tâm hồn mình. Đồng chí Trường Chinh tổng kết lại: “Cuộc sống không đứng ngừng một chỗ. Cần phát triển Đề cương Văn hóa theo hướng đúng trong điều kiện cách mạng XHCN ở nước ta. Đồng thời, cần tích cực đấu tranh bảo vệ đường lối văn hóa của Đảng, phê phán kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hoang mang, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời quần chúng, những biểu hiện của tư tưởng tự do tư sản trong lý luận, phê bình và sáng tác”[1].
Ngày 16-7-1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Khóa VIII ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp đó, trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là xã hội có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc[2].
Ngày 24-11-2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và CNXH; Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.
Sau 37 năm đổi mới và hội nhập (1986-2023), nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới, di sản ký ức thế giới. Các loại hình của văn hóa Việt Nam ngày càng được cộng đồng thế giới biết đến và đánh giá tích cực. Đời sống văn hóa của đại đa số cư dân đều có những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa.
Là một thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện là thành viên tích cực của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC). Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã đánh giá: “Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”.
Huế, ngày 20-2-2023
Nguyễn Văn Toàn
[1] Xem bài viết “Về cách mạng tư tưởng và văn hóa (ngày 27-12-1983)” - sách Trường Chinh tuyển tập (1976-1986) - tập III, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 70