Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Âm thanh từ những tượng đài
Bà Ngô Thị Sương luôn chăm lo, thờ cúng hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gần 20 liệt sĩ là thân nhân nội tộc
Chiều muộn, ngày đầu tháng Tám mùa Thu 2022, khi mặt trời chuyển dần sang màu đỏ như máu, từ phía chân trời xa xăm, trước lễ kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tôi đến dâng hương ở Nhà thờ Liệt sĩ, ghé thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh ở Đông Tác, sang thăm Tượng đài Mậu Thân 1968…
Trong lặng yên của buổi hoàng hôn, tôi bỗng thấy như có rất nhiều bóng hình đồng đội của tôi, người đứng, người ngồi, người nằm, người chạy… Có những đồng đội khóc, cười… Có gì đó rất huyền bí!
Rồi tôi như bị rơi vào mộng mị mường tượng về những trận đánh trong Chiến dịch “Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân, năm 1968”. Một chiến dịch khi nhắc đến là niềm tự hào xen lẫn những nỗi thương đau trào dâng. Cả nước nói chung, Phú Yên quê tôi nói riêng, Chiến dịch đó mang bi thương trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh.
Trên tượng đài, những hàng mộ, tôi như thấy từng thớ thịt, mảnh xương, từng giọt máu còn đang loang chảy. Không phải biểu tượng mà xương cốt, thịt da, máu và nước mắt thật sự của các anh hùng liệt sĩ đơn vị Trung đoàn 10 (Ngô Quyền), Tiểu đoàn 85, Đại đội Đặc công 202, Đại đội Quyết Thắng…
Nhiều địa danh ở Phú Yên ngày đó như: Chóp Chài, Ninh Tịnh, xóm Đạo… tuy không lớn nhưng trong chiến tranh trở thành khúc bi tráng sâu thẳm của nhiều thế hệ người dân Phú Yên. Giờ đây phố phường, nhà cửa đã mọc lên, cuộc sống vui tươi phồn hoa đã thay vào khung cảnh bom rơi, đạn lạc, chết chóc. Nhưng trong lòng đất, dưới những tượng đài vẫn còn tiếng rì rầm của quá khứ vọng về. Mỗi góc phố, ngõ làng, đám ruộng, bờ mương còn in dấu của cha anh can trường chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bước chân đi thật nhẹ nhàng mà không cảm thấy yên lòng vì sợ làm đau những người đã khuất…
Còn nhớ một chiều cuối tháng 8-2018, trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh ở Đông Tác, tôi tình cờ gặp người phụ nữ giáng tiều tuỵ đang cắm cúi thắp hương, khấn vái… Đó là bà Ngô Thị Sương - một CCB của Đại đội 377, huyện Tuy Hòa 1. Bà tham gia chiến đấu năm 1972, lúc mới 17 tuổi. Bây giờ đã nghỉ hưu, cuộc đời của bà Sương gắn với nhiều đau thương, mất mát từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Lần theo địa chỉ, tôi đến thăm bà. Hôm ấy cũng vào chiều muộn. Bà đón tôi bằng sự nhiệt tình, niềm nở, nhưng vẫn không giấu được những nét trầm luân, gian khổ hiện trên khuôn mặt của người phụ nữ từng trải nhiều thương đau, mất mát…
Bà dẫn tôi lên căn gác hai, nơi gia đình đang thờ hai Mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 liệt sĩ là thân nhân gần có trợ cấp hương khói và vong linh 12 liệt sĩ khác là thân nhân nội tộc. Đốt nén nhang dâng lên bàn thờ, bà kể tôi nghe: Bà nội chồng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cảnh, Mẹ có ba con trai, một con dâu và ba cháu nội là liệt sĩ. Mẹ chồng là Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Điền, có chồng và con trai là liệt sĩ.
Bà Sương ngậm ngùi kể: “Mẹ chồng tôi hoạt động cách mạng từ nhỏ. Năm 1962 bị địch phát hiện, chúng không chỉ bắn chết, còn dã man cắt cả hai vú và một bên tai, rồi bêu xác nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của đồng bào ta…”. Nghe bà Sương kể đến đó, nước mắt tôi cứ trào ra; chiếc bút bi trên tay rơi xuống nền nhà lúc nào không biết…
Dường như bà Sương đã phải cố hết sức, kiềm chế lòng mình để kể tiếp danh sách những linh hồn liệt sĩ được thờ trên bàn thờ này. Trong số 17 liệt sĩ thì có 5 liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Có liệt sĩ không thể lấy xác về; có thể có liệt sĩ đã được cất bốc chung vào mộ tập thể, mộ vô danh, hoặc còn nằm lại ở đâu đó… Theo bà những liệt sĩ hi sinh được đưa về yên nghỉ, thờ cúng vẫn còn là may mắn lắm. Nhiều. Rất nhiều những cán bộ, chiến sĩ của chúng ta ngã xuống không thể lấy được xác về; lấy về cũng không thể định danh, giờ cũng không biết còn ở đâu đó trên khắp mọi miền đất nước… Tôi bỗng nhớ đến những câu trong bài thơ “Cõng bạn về quê” của Lý Hoài Xuân: May mày vẫn còn/ Không bị mối xơi/ Không bị lũ cuốn trôi như nhiều đứa khác/ Hôm chôn mày, vội vã/ Đá tảng chặn nhát xẻng đào sâu/ Sợ hoà bình lâu/ Đồng đội ngậm ngùi, lo lắng!... Thôi thì cứ theo người yêu về quê/ Tao bỏ mày vào ba lô/ Cõng đi tàu Thống Nhất/ Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết/ Họ ách lại giữa đường thì khổ nữa mày ơi!.
Bạn ơi. Người ơi. Hãy cũng thử chọn một chiều muộn, ráng đỏ phía Tây nghĩ về những người ngã xuống cho Tổ quốc này, nhất định bạn sẽ nhận ra những tiếng vọng về như tôi đã được gặp... Đó chính là tiếng vọng, là âm thanh vừa thực, vừa hư từ những nghĩa trang, tượng đài chiến thắng và cả trong lòng đất là có thật.
Tri Nhân
Đó là âm thanh của các linh hồn liệt sĩ đang vọng về. Hãy đốt nén nhang, thành tâm cầu nguyện cho vong linh của họ được tịnh yên, siêu thoát.
Phú Yên, tháng 8-2022
Bút ký của Nguyễn Bá Thuyết