Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (30.10.1949 - 30.10.2024): Nhìn về quá khứ, hướng đến tương lai
Tổng Bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào - Thongloun Sisoulith gặp Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (104 tuổi) - Anh hùng LLVTND, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu QTN và CGQS Việt Nam tại Lào tại cuộc gặp gỡ cựu QTN, CGQS Việt Nam, lưu học sinh Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ hai nước, ngày 11-9-2024.
“Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân Lào nhận thức sâu sắc rằng: “Trên mảnh đất thân yêu của chúng tôi, từ Bắc vào Nam đã trộn lẫn những giọt mồ hôi và xương máu của các chiến sĩ cách mạng hai nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Lào; không ai có thể đếm được bao nhiêu dòng suối, ngọn núi, con sông trên đất nước Lào mà các chiến sĩ cách mạng hai nước đã đi qua chiến đấu chống kẻ thù chung. Mặc dù, thời gian đã trải qua nhiều thập kỷ, hai nước chúng ta đã cùng nhau xây dựng xã hội chủ nghĩa hơn 40 năm qua “nhưng sự ghi nhớ, biết ơn của Đảng, Chính phủ và Nhân dân Lào đối với những cống hiến và sự hy sinh to lớn của Quân đội và Nhân dân Việt Nam anh em dành cho sự nghiệp cách mạng của Lào sẽ không bao giờ phai nhạt và mãi mãi in sâu trong trái tim của người dân Lào” - Đại tướng Chăn-sạ-mỏn Chăn-nha-lạt - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHDCND Lào phát biểu tại Lễ gặp mặt Ban liên toàn quốc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự (QTN và CGQS) Việt Nam giúp cách mạng Lào (gọi tắt là Lễ gặp mặt) nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống QTN và CGQS Việt Nam giúp Cách mạng Lào (30.10.1949 - 30.10.2024) vừa được tổ chức vào ngày 29-10.
Cách đây 75 năm, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và mang danh nghĩa là QTN. Những hoạt động của QTN đã giúp Bạn phát triển LLVT, xây dựng căn cứ kháng chiến, phối hợp chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt địch trong nhiều chiến dịch.
Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, đế quốc Mỹ đã từng bước can thiệp và thực hiện chính sách thực dân mới ở Lào, Việt Nam và Campuchia, buộc nhân dân ba nước Đông Dương phải tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu, bảo vệ độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước. Theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào, năm 1954, T.Ư Đảng cử “Đoàn Cố vấn quân sự 100” sang giúp Cách mạng Lào. Phương thức hợp tác giúp đỡ của Việt Nam đối với Cách mạng Lào chuyển từ chế độ QTN sang chế độ QTN và Cố vấn quân sự (từ năm 1959 là chế độ CGQS)...
Trong những năm 1954-1957, “Đoàn cố vấn quân sự 100” giúp quân và dân Lào đẩy mạnh vận động nhân dân, củng cố chính quyền, xây dựng hệ thống khu chiến đấu ở hai tỉnh tập kết Sầm Nưa và Phông Xa Lỳ, tiêu diệt lực lượng địch, góp phần làm thất bại âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng của địch. Từ năm 1959-1961, Đoàn CGQS 959 và các đơn vị thuộc Quân khu 4, Quân khu Tây Bắc của Việt Nam giúp Lào nhanh chóng khôi phục, mở rộng căn cứ kháng chiến, chiếm 2/3 diện tích nước Lào, góp phần buộc đối phương phải ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới ký Hiệp định Giơnevơ về Lào năm 1962.
Sau năm 1975, lợi dụng tình hình ở Lào còn rất nhiều khó khăn khi mới giải phóng, chính quyền còn non trẻ, LLVT cách mạng Lào chưa được củng cố sau nhiều năm chiến đấu liên tục, các thế lực phản động nước ngoài hậu thuẫn các lực lượng phản động Lào lưu vong và trong nước chống phá cách mạng Lào. Để tiếp tục giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng, tháng 5-1976, hai bên thống nhất tổ chức Đoàn CGQS Việt Nam tại Lào. Đồng thời, đáp ứng đề nghị của Đảng và Chính phủ Lào, từ cuối năm 1976, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã cử một số đơn vị QTN Việt Nam trở lại giúp Lào. Hoạt động phối hợp chiến đấu giữa QTN Việt Nam và LLVT cách mạng Lào, nòng cốt là QĐND Lào trong những năm 1976-1989, góp phần phá tan nhiều căn cứ phỉ ở Phu Bia, Buôn Loọng...; kết hợp với xây dựng thế trận phòng thủ đất nước, chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, căn cứ vào tình hình chính trị ở Lào đã có bước phát triển ổn định, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Lào thống nhất chuyển toàn bộ QTN và CGQS Việt Nam tại Lào về nước, đến đầu tháng 1-1989, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, QTN và CGQS Việt Nam tại Lào đã rút hết về nước...
Cùng với giúp Lào xây dựng cơ sở quần chúng, củng cố căn cứ kháng chiến, QTN và CGQS Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng LLVT với nòng cốt là Quân giải phóng nhân dân Lào, ngày càng trưởng thành, tạo tiền đề vững chắc cho cách mạng Lào tiến lên giành những thắng lợi quân sự trên chiến trường và giành được chính quyền vào năm 1975. Tiếp đó, QTN và CGQS Việt Nam cùng các lực lượng của Lào xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở; xây dựng, phát triển lực LLVT ba thứ quân, nhất là LLVT địa phương, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh. Nhờ đó, tình hình trật tự, an ninh của Lào dần ổn định, các lực lượng cách mạng Lào từng bước trường thành, tự đảm đương nhiệm vụ, làm chủ tình hình vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX...
*
“Trong 4 thập kỷ thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào, QTN và CGQS Việt Nam đã nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, son sắt, hoàn thành đặc biệt xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao phó, cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lào lập nên những chiến công hiển hách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội và nhân dân hai nước, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam và Lào, liên minh chiến đấu có một không hai trong lịch sử. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Lào trở về nước, trên mọi cương vị, các đồng chí cựu QTN và CGQS Việt Nam tại Lào đã vượt lên mọi khó khăn, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi gương” - Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam khẳng định tại Lễ gặp mặt.
Hiện nay, Ban liên lạc toàn quốc cựu QTN và CGQS giúp cách mạng Lào có hàng chục nghìn thành viên với hệ thống cơ sở đến cấp tỉnh, huyện, một số nơi đến cấp xã, gồm 30 đầu mối tỉnh, thành phố, 24 đầu mối đơn vị truyền thống. Những năm qua, Ban liên lạc đã có nhiều đóng góp tiếp tục vun đắp, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào như: Phát động nhiều đợt ủng hộ, quyên góp giúp đỡ các CCB, đối tượng chính sách, con em CCB, thương binh, bệnh binh của Lào; nhận đỡ đầu các cháu lưu học sinh - sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam, tặng quà và đón các cháu về gia đình vào dịp lễ, Tết...
*
Hướng tới Ngày truyền thống QTN và CGQS Việt Nam giúp cách mạng Lào, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “QTN và CGQS Việt Nam giúp cách mạng Lào - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Đây là sự kiện có ý nghĩa khoa học và lịch sử sâu sắc; nâng cao nhận thức về lịch sử, những cống hiến, hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đi trước để giành được thắng lợi, qua đó, thể hiện quyết tâm gìn giữ và phát huy sức mạnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.
Cũng trong dịp này, tại tỉnh Xiengkhouang, Bắc Lào, ngày 24-10, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Xiengkhouang tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm. Ở trong nước, nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với Ban liên lạc cựu QTN và CGQS Việt Nam giúp cách mạng Lào của địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống ôn lại quá trình đấu tranh lâu dài và anh dũng chống kẻ thù chung, chia sẻ về những tháng ngày cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Lào chung một chiến hào, chia nhau từng bát cơm, cọng rau, hạt muối... Một số Ban liên lạc còn tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. “Là những người lính đã từng chiến đấu ở chiến trường Lào, nay trở lại, chúng tôi có cảm giác như được trở về nhà mình. Thật tự hào vì nhìn thấy đất nước Lào phát triển vượt bậc, an ninh chính trị được giữ vững, kinh tế - xã hội phát triển không ngừng...” - đồng chí Vương Bình Minh - Trưởng BLL Mặt trận 379 Bắc Lào chia sẻ.
*
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của T.Ư Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, QTN và CGQS Việt Nam đã kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nước bạn Lào chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc nước CHDCND Lào. Những cống hiến, hy sinh to lớn của QTN và CGQS Việt Nam trực tiếp củng cố và xây đắp nên truyền thống đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam - Một biểu tượng đoàn kết quốc tế vô sản mẫu mực có một không hai trong lịch sử quan hệ quốc tế. Như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua, Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long” và Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Trải qua nhiều thập kỷ, quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở mỗi nước. Từ đó góp phần nâng cao vị thế của hai Đảng, hai nước; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Vừa qua, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào - Thoong-lun Xỉ-xu-lít là chuyến thăm thứ hai kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 1-2021) đến nay và tiếp ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước (tháng 7-2024) là một minh chứng sống động, thể hiện tình cảm tốt đẹp, sâu đậm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, gắn bó, thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào.
Trong không khí thân mật, thắm tình đồng chí anh em tại cuộc gặp gỡ cựu QTN, CGQS Việt Nam, lưu học sinh Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ hai nước, ngày 11-9-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào - Thoong-lun Xỉ-xu-lít một lần nữa khẳng định: Mối quan hệ Việt Nam - Lào đã trở thành biểu tượng “có một không hai” của tình đoàn kết quốc tế, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc được đúc kết bởi bốn chữ tình: “Tình đồng chí, Tình đoàn kết, Tình anh em, Tình bạn”.
Hồ Thanh Hương