Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7): Những người con hy sinh vì Tổ quốc sẽ mãi trường tồn trong thơ
Trong cuộc hai kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), chống Mỹ cứu nước (1954-1975), chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế (1979-1989), hình ảnh những anh hùng liệt sĩ, thương binh luôn được khắc họa bằng những vần thơ tràn đầy cảm phục, yêu thương.
Chúng ta thật xúc động khi đọc được những vần thơ của nhà cách mạng kiệt xuất, nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh). Trước mộ đồng chí Hoàng Văn Thụ, nhà thơ xúc động: “Nhớ những khi ấp ủ giữa lòng dân/ Chia bát cơm khoai, bẻ đôi củ sắn/ Nhớ những phen thoát vòng vây địch /Ngủ bờ ngủ bụi vượt mọi chông gai/ Hôm nay viếng mộ anh/ Bao ký ức của những ngày gian khổ dãi dầu/ Đã tràn ngập lòng tôi trong giây phút”. Đất nước ta anh hùng bởi đất nước ta có những bà mẹ anh hùng . Nhà thơ Tố Hữu viết về những người mẹ anh hùng như bà Bủ, bà Bầm, mẹ Tơm, mẹ Suốt giản dị mà lẫm liệt. Hình ảnh mẹ Suốt cứ lớn dần lên trong người đọc:“Giữa lòng bom đạn xông pha/ Thương con, thương nước thiết tha cháy lòng”. Đồng chí Lê Đức Thọ có những vần thơ cháy lòng về mẹ Suốt:“Đò xưa vắng bóng mẹ rồi /Nhìn sông nhớ mẹ, ngậm ngùi xót xa / Quân thù đã giết mẹ ta/ Một đêm mưa gió máu hòa dòng sông/ Mẹ về với những chiến công/ Ghi trang sử đẹp anh hùng Bảo Ninh (Nhớ mẹ).
Trong cuộc đời sáng tác của nhà thơ Vũ Cao, bài thơ “Núi Đôi” là một sử thi kể lại chuyện tình bi tráng của anh bộ đội Trịnh Khanh và nữ liệt sĩ Trần Thị Bắc. Một câu chuyện tình có thật, một khúc tráng ca cách mạng lãng mạn, giàu nhân văn và cảm xúc với mối tình đẹp vô cùng, tưởng chừng không có gì ngăn cách nổi. Nhưng vì sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, người con trai ra trận. Người con gái ở lại làng quê, trở thành người du kích. Họ vẫn ngóng chờ tin tức về nhau “Đồng đội có nhau thường nhắc nhở/ Trung du làng nước vẫn chờ mong/ Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm/ Em vẫn đi về những bến sông”. Ngày anh trở lại thăm làng, thăm Núi Đôi thì nhận được tin đau lòng “Vừa tới cầu ao tin sét đánh/ Giặc giết em rồi dưới gốc thông/ Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa/ Em sống trung thành, chết thủy chung”. Nhưng không vì thế mà buồn đau, người trai vẫn sáng ngời một niềm tin, niềm lạc quan cách mạng “Ai viết tên em thành liệt sĩ/ Trên những hàng bia trắng giữa đồng/ Nhớ nhau anh gọi: Em, đồng chí/ Một tấm lòng trong vạn tấm lòng/ Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.
Đẹp và tự hào biết bao “dáng đứng Việt Nam”, dáng đứng của những con người “biết đi tới và làm nên thắng trận”. Đó là dáng đứng của Việt Nam đang ngày đêm đánh Mỹ, quyết giành lại độc lập, tự do! Người chiến sĩ hy sinh trong tư thế oai hùng “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tỳ súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân). Đức tính khiêm nhường của người chiến sĩ đã tạc nên dáng đứng thế kỷ, dáng đứng của ngàn năm “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân !”.
Người chiến sĩ hy sinh để lại bao tiếc thương cho đồng đội. Bao kỷ niệm ùa về như vây quanh, như đang cùng người đã khuất trò chuyện: “Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn/ Cây trầm cháy dở thay nén nhang/ Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm” (Nấm mộ và cây trầm - Nguyễn Đức Mậu). Hình ảnh người chiến sĩ hy sinh thật dũng cảm, gây xúc động mạnh mẽ: “Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/ Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi/ Chết - hy sinh cho Tổ quốc - Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”.
Người chiến sĩ được ví như cây trầm, lúc còn xanh tỏa đầy bóng mát, khi ngã xuống vẫn tỏa mùi hương cho đất trời: “Thơm rất xa gió thoảng hương trầm/ Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ/ Sống tươi tốt một màu xanh bình dị/ Thân hy sinh thơm đất thơm trời”.
Sự hy sinh của người chiến sĩ là mở ra bao sự sống, sự bất tử của muôn đời. Màu hoa hồng thắm trên mộ anh là màu hoa của ngày chiến thắng: “Mộ anh trên đồi cao/ Cánh hoa này em hái/ Cành hoa này chị đơm/ Cây bông hồng em ươm/ Em trồng vào trước cửa/ Mộ anh trên đồi cao/ Hoa hồng nở và nở/ Hương thơm bay và bay/ (...) Trên mộ người cộng sản/ Hoa hồng đỏ và đỏ/ Như máu nở thành hoa” (Mồ anh hoa nở - Thanh Hải).
Chiến tranh kết thúc, người chiến sĩ trở về. Hạnh phúc lại đến vì họ biết đợi chờ “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Quê hương vẫn vẹn nguyên trong ngày vui của đôi lứa “Giữ lấy cầu ao/ Giữ lấy gốc chanh/ Giữ lấy giàn trầu/ Giữ xanh mái tóc/ Hôm nay trở về, một chân anh mất/ Nhưng quê hương tất cả hãy còn/ Một xóm vui/ Đám cưới mùa xuân/ Trầu hái vườn nhà thắm môi hai họ/ Có anh thương binh đêm ngồi bên vợ/ Tóc ai dài thơm nước lá chanh” (Hoa chanh - Nguyễn Bao).
Cảm động làm sao khi chúng ta cùng nghe bài thơ của một người đồng đội viết về những đồng đội của mình mãi mãi ra đi ở lứa tuổi hai mươi: “Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm” - (Lê Bá Đương).
Đất nước ta đi đến đâu cũng gặp nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt, đất Quảng Trị nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng. Một lần, Hải Bằng - đứng trước Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã thốt lên những lời thơ cảm động:“ Có thể tôi chưa gặp/ Từng gương mặt các anh/ Nhưng giữa lòng con mắt/ Vẫn giọt trời long lanh… Nghĩa trang thành nghĩa tình/ Trường Sơn thành trường sinh/ Giữa tấm bia liệt sĩ/ Cánh sao trời lung linh” (Viếng Nghĩa trang Trường Sơn ).
Những vần thơ, những nén tâm nhang xin thắp lên tưởng nhớ bao anh hùng, bao liệt sĩ, đã hy sinh, đã đóng góp tuổi xanh, máu xương cho ngày vui hòa bình, độc lập. Những linh hồn hy sinh vì Tổ quốc sẽ mãi trường tồn trong thơ.
Nguyễn Văn Thanh