Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thi đua ái quốc (11-6): Cả dân tộc hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác
Vào đầu năm 1948, cuộc kháng chiến 9 năm của Dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược, đang bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn. Để động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc vào ngày 11-6-1948.
Căn cứ tình hình thực tiễn của đất nước năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Mục đích của thi đua ái quốc là “Diệt giặc đói khổ. Diệt giặc dốt nát. Diệt giặc ngoại xâm”. Cách làm của thi đua ái quốc là dựa vào “Lực lượng của dân, Tinh thần của dân”, “Bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Người kêu gọi đã là người dân Việt Nam cần phải thi đua bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh và “Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”. Người chỉ rõ: Phong trào thi đua phải được thể hiện trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng chế độ xã hội mới. Đồng thời, Người còn nêu rõ các đối tượng tham gia phong trào thi đua phải làm gì. “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nông thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc và phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”. Việc thi đua không chỉ một người, một ngành, một tỉnh mà là tất cả mọi người, mọi ngành, mọi nơi., “Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”. Người tin tưởng: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc”. Làm như vậy kết quả đầu tiên của phong trào thi đua là “Toàn dân sẽ đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc với cách viết ngắn gọn, sâu sắc, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu, thiết thực của Bác đã nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, cách làm, hình thức, lực lượng tham gia, ý nghĩa thi đua và kết quả đạt dược.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn thể dân tộc ta, nhân dân ta ra sức thi đua đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng CNXH. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc CNXH, đã có biết bao phong trào thi đua ra đời và đạt kết quả to lớn. Đó là các phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Giai cấp công nhân “Chắc tay súng, vững tay búa”, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, dững cảm trong chiến đấu, phấn đấu đạt “Ba điểm cao” (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều). Giai cấp nông dân “Chắc tay súng, vững tay cày”, tích cực sản xuất, chiến đấu dũng cảm, phấn đấu đạt “Ba mục tiêu” (năm tấn thóc, hai con lợn, một lao động trên 1ha gieo trồng). Quân đội có phong trào “Ba nhất”. Trong giáo dục có phong trào thi đua “Hai tốt” là dạy tốt và học tốt; thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”, Phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, thiếu niên có phong trào “Làm nghìn việc tốt”… Từ trong phong trào thi đua yêu nước, quân và dân ta ở miến Bắc đã đã tỏ rõ sức mạnh của một dân tộc có truyền thống yêu nước, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu dũng cảm giành thắng lợi trong xây dựng, bảo vệ miền Bắc và thực hiện nghĩa vụ của hậu phương lớn. Ở miền Nam giai đoạn này cũng có nhiều phong trào thi đua như: “Năm xung phong”, “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Bám đất giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không rời” …
Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hiệu triệu lôi cuốn, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí cách mạng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử.
Bước vào thời kỳ đổi mới (từ Đại hội VI-1986), đặc biệt từ khi có Luật Thi đua khen thưởng (2003) các phong trào thi đua yêu nước ngày càng sôi nổi, mở rộng trong nhiều lĩnh vực, trong tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.
Phong trào “Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của MTTQ Việt Nam, phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Tổng LĐLĐ Việt Nam, phong trào “CCB gương mẫu” của Hội CCB Việt Nam… Các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, có sức lan tỏa cao. Nội dung thi đua được gắn kết với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thi đua yêu nước là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN, là một phương thức vận động cách mạng thiết thực và hiệu quả, nhằm phát huy năng lực và trí tuệ của mọi người dân, tạo nên sức mạnh vô địch của khối đoàn kết đại dân tộc.
Đã 75 năm trôi qua, Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự và truyền cảm hứng cho nhân dân ta trong dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mỗi chúng ta hãy lắng sâu, làm theo Lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay các phong trào thi đua yêu nước sẽ tạo nên động lực to lớn, cổ vũ đồng bào, chiến sỹ cả nước vượt qua khó khăn, thử thách, chung sức, đồng lòng góp phần “Đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”, như Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra và hoàn thành mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đào Hồng