Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021): Tỏa sáng đạo lý uống nước nhớ nguồn nơi địa đầu Tổ quốc

Rà phá bom mìn, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khó khăn của những gia đình chính sách, cựu chiến binh (CCB) ở Hà Giang vẫn còn hiện hữu. Để giúp các gia đình nghèo ổn định, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa bằng nhiều hành động thiết thực, hiệu quả.

Nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công

Năm 1981, sau bốn năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, ông Lộc Đức Sính trở về quê nhà ở xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên lập nghiệp. Sinh sống tại xã vùng biên khó khăn, dù vất vả quanh năm nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, ngôi nhà được dựng bằng ván gỗ xuống cấp nhưng không tiền để tu sửa.

Năm 2019, tỉnh Hà Giang thực hiện chương trình “Xóa nhà tạm cho CCB, gia đình chính sách, hộ nghèo ở các xã biên giới”. Gia đình ông Sính được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ 60 triệu đồng, người dân giúp công lao động, chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2019, gia đình ông Sính hoàn thành ngôi nhà mới xây trị giá gần 100 triệu đồng. Ông Sính vui vẻ nói: “Nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh và của người dân, không biết đến bao giờ tôi mới có tiền để xây nhà mới cho vợ, con ổn định cuộc sống”.

Từ ngày có nhà mới, gia đình ông Sính yên tâm lao động, cuộc sống vơi đi khó khăn, đến năm 2020 gia đình đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Niềm vui của gia đình người CCB già được “nhân đôi” khi anh con trai cả là Lộc Xuân Thanh, cũng là CCB khó khăn về nhà ở tiếp tục được chương trình của tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà mới.

Hà Giang có khoảng 10 nghìn hộ người có công, CCB nghèo, người nghèo khó khăn về nhà ở. Nhằm tri ân những người đã từng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đầu năm 2019, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng nhóm từ thiện TP Hồ Chí Minh gây quỹ hỗ trợ xây nhà giúp đỡ 356 CCB khó khăn về nhà ở tại Hà Giang. Tiếp nối chương trình tri ân ý nghĩa đó, tháng 7/2019, Tỉnh ủy Hà Giang triển khai chương trình làm nhà cho người có công, CCB nghèo và hộ nghèo khó khăn về nhà tại các xã biên giới với quy mô, số lượng, đối tượng rộng và toàn diện hơn.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh còn nhiều gia đình người có công, CCB nghèo sinh sống trong những ngôi nhà chưa được kiên cố. Ổn định cuộc sống cho gia đình chính sách, CCB là trách nhiệm, sự tri ân của chính quyền và toàn xã hội. Đối với người dân ở các xã biên giới, dù cuộc sống khó khăn nhưng bà con vẫn bám trụ, cần cù lao động, sản xuất. Họ được ví như những “cột mốc sống”, ngày đêm sát cánh cùng lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Do đó, người dân nơi đây cần được hỗ trợ về nhà ở nhằm tạo dựng cuộc sống ổn định lâu dài nơi biên cương Tổ quốc.

Theo chương trình, đối tượng được lựa chọn làm nhà được hỗ trợ 60 triệu đồng, đây là mức hỗ trợ lớn nhất so với các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở thực hiện trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay. Đặc biệt, nguồn kinh phí được tỉnh xã hội hóa hoàn toàn từ công tác vận động sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Do đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên đã nhận được sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, các nhà hảo tâm trong cả nước. Đến nay, sau tròn hai năm triển khai, Hà Giang huy động xã hội hóa được gần 300 tỷ đồng; người dân đóng góp hơn 130 nghìn ngày công lao động để hỗ trợ cho các gia đình xóa nhà tạm. Đã có 4.782 hộ gia đình chính sách, CCB nghèo, hộ nghèo nơi biên giới được xây nhà mới, ổn định cuộc sống.

Tại Hà Giang, phong trào đền ơn đáp nghĩa còn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân thực hiện sâu rộng với nhiều chương trình ý nghĩa như: Xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đều ưu tiên cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Hà Giang cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng của các gia đình chính sách.

Đẩy mạnh công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Theo thống kê của các đơn vị tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tại tỉnh Hà Giang, có hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh. Do điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều nghĩa trang riêng của các đơn vị bị pháo bắn phá, cày xới làm mất dấu tích, nhiều liệt sĩ hy sinh không lấy được thi hài. Khi chiến tranh kết thúc, một số đơn vị rút quân về tuyến sau, có đơn vị giải thể nên việc bàn giao mộ liệt sĩ còn thiếu sót, chưa đầy đủ.

Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh luôn coi trọng công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ bởi đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là nguyện vọng của CCB, thân nhân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Do đó, tỉnh tập trung nguồn lực, nhân lực để xây dựng kế hoạch khảo sát, điều tra, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Qua các nguồn thông tin, tỉnh xác định còn khoảng 1.300 liệt sĩ nằm lại trên những điểm cao dọc tuyến biên giới Hà Giang trong khu vực rộng 1.700 ha thuộc các xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải (Vị Xuyên). Khu vực này vẫn còn ô nhiễm bom mìn, để thực hiện quy tập hài cốt liệt sĩ, tỉnh xây dựng đề án và đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Đầu năm 2020, hơn chục đơn vị đã lên biên giới Vị Xuyên để tham gia rà phá bom mìn, vật liệu nổ. Dù điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp, nhưng với quyết tâm cao, đến cuối năm 2020 đã hoàn thành để bàn giao diện tích đất sạch cho Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang.

Đại úy Phan Xuân Trường, cán bộ Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cho biết: “Ở các điểm cao thuộc các xã biên giới Thanh Thủy, Xín Chải, Thanh Đức địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều nên rất khó khăn cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, toàn đơn vị xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, nên dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng vững vàng vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Từ đầu tháng 1/2021 đến nay, Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã thực hiện gần 4.000 ngày công để tìm kiếm trên diện tích hơn 250 ha. Dù được trang bị máy nhưng do địa hình phức tạp nên các chiến sĩ chủ yếu sử dụng công cụ cá nhân để đào bới gần 10.000 m2 đất tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Kết quả đã tìm kiếm được sáu bộ hài cốt tại các điểm cao thuộc xã Thanh Thủy. Tính từ năm 2018 đến nay, Đội đã tìm kiếm, quy tập được tổng cộng 87 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có một mộ tập thể; tám hài cốt xác định được danh tính; 79 hài cốt chưa xác định danh tính.

Những ngày tháng 7 này, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên được nâng cấp với diện mạo khang trang, sạch đẹp, đón hàng trăm đoàn cán bộ, nhân dân trong nước đến viếng, tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Dù trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng có rất nhiều hoạt động tri ân có ý nghĩa được các ngành, các cấp thực hiện, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn tỏa sáng nơi địa đầu Tổ quốc.

Bài và ảnh: KHÁNH TOÀN