Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020): Nhà văn và người Anh hùng
Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Đỗ Bích Thúy là nữ nhà văn có tên tuổi trên văn đàn nghệ thuật nước nhà. Cách đây vài năm, đang là Phó tổng biên tập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chị “đột nhiên” xin thôi giữ chức vụ quản lý nói trên, gây ngỡ ngàng cho cả cộng đồng văn giới và tất cả những ai yêu quý, trân trọng tài năng của chị.
Xưa nay, chuyện “treo ấn từ quan” bao giờ cũng hiếm, giới văn nghệ sĩ cũng không phải ngoại lệ. Tạp chí Văn nghệ Quân đội vốn là “ngôi đền văn học” đầy quyền uy của văn giới nước nhà... Cho nên, chuyện Đỗ Bích Thúy xin “thôi” chức gây xôn xao dư luận.
Mặc kệ cho những lời đồn thổi, Đỗ Bích Thúy lặng lẽ trở lại vị trí của một cán bộ sáng tác. Chị thực hiện nhiều chuyến đi khắp cả hai miền Nam-Bắc. Có hôm, vừa thấy chị “khoe” đang theo chân đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ ở biên giới tỉnh Hà Giang thì hôm sau đã gọi điện xúc động kể đang đi dọc các tỉnh duyên hải miền Trung và gặp được rất nhiều người “hay ho”...
Nữ nhà văn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” sau nhiều năm buộc phải chôn chân chốn công sở để giải quyết công việc của một người quản lý, nay như cánh chim tự do tung tẩy bay lượn khắp đất nước. Đi đến những nơi chưa từng đến, gặp những con người thú vị mà trước đó chị đã ghi lại bằng mẫn cảm của một nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp.
Và thế là chị gặp Đại tá Huỳnh Trí (thường gọi là Hai Trí), Anh hùng LLVTND, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang tại nhà riêng của ông. Trước hôm đến gặp, Đỗ Bích Thúy nhắn tin bảo tôi: “Đang ở miền Tây, gặp rất nhiều người hay, nhất là ngày mai sẽ đi gặp Anh hùng Hai Trí, có gì sẽ viết cho báo bạn một bài ký”.
Anh hùng Hai Trí? Tôi cũng đã nghe kể về ông qua câu chuyện của một số bạn viết. Ông sinh ngày 30-11-1949, quê xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, cha mẹ đều tham gia trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi Huỳnh Trí mới hơn 10 tuổi, vẫn thường chạy đưa công văn, giấy tờ, làm liên lạc cho cách mạng. Thình lình cậu bé Trí bị bắt giam vào đồn. Bố cậu lúc đó đã phải bán đi hai con bò, chuộc cậu bé ra. Lúc đó, Huỳnh Trí nói với bố, là con phải đi thôi. Đi hẳn, vào căn cứ với các chú. Ở lại sẽ khó hoạt động vì đã rơi vào tầm ngắm của bọn Mỹ-Diệm rồi. Vậy là để lại sau lưng 8 đứa em với bố mẹ, cậu bé bắt đầu con đường của người chiến sĩ.
Năm 20 tuổi, Huỳnh Trí trở thành chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 512 An Giang. Từ năm 1970 đến 1974, anh trải qua nhiều chức vụ: Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng; Trung đội phó, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 512.
Dù ở bất kỳ cương vị nào trong mỗi trận đánh, Huỳnh Trí luôn dũng cảm đi đầu. Trận đầu tiên, ngày 17-7-1969, tạo nên một ký ức khó quên là đánh vào khu trù mật Tân An (Bến Nước, Tân Châu). Đây là trận đánh mà tương quan lực lượng giữa ta và địch không cân sức. Trận này có bảy đồng chí tham gia: Thương làm mũi trưởng, Út Tiếng, Thành mũi phó, và 4 chiến sĩ: Hai Trí, Muôn, Giảo, Xuân. Đạn bên trong đồn bắn ra dữ dội, đồng chí Thương, Út Tiếng trúng đạn hy sinh ngay. Cầm cự khá lâu cuối cùng đành phải rút lui. Các đồng chí Muôn, Giảo hy sinh. Xuân bị thương và cũng ra đi. Còn lại Hai Trí và Thành, nhưng tinh thần chiến đấu lại càng cao hơn vì quyết trả thù cho những đồng đội mình đã ngã xuống.
Huỳnh Trí đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia đánh 132 trận lớn nhỏ, trong đó có nhiều trận mà anh trực tiếp chỉ huy, diệt, bắt sống hàng trăm tên địch. Riêng anh đã tiêu diệt 43 tên địch, bắt sống 27 tên, thu 58 súng và 3 máy PRC 25.
Ở trận tiêu diệt đồn Giồng Găng ở xã Phú Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp vào đêm 12 rạng 13-10-1974. Lúc đó với cương vị là Đại đội phó (Đại đội 1, Tiểu đoàn 512), Huỳnh Trí chỉ huy một mũi tiến công. Khi mũi phá mìn của anh áp sát trận địa thì phát hiện tình huống đã thay đổi không đúng như kế hoạch ban đầu. Sợ không kịp giờ hợp đồng tác chiến, tình huống lúc này rất phức tạp vì chiến sĩ phụ trách cắt rào lạc mất, nên buộc Huỳnh Trí phải quyết tâm cắt rào bằng mọi giá để vào trong phá mìn. Trong giờ phút sinh tử, anh đã cương quyết bằng mọi giá phải cắt cho được dây mìn “lay-mo”. Không kịp nghĩ đến nguy hiểm tới tính mạng, anh chấp nhận hy sinh để mở cửa đưa đội hình vào. Huỳnh Trí nhảy lên kéo đại trái mìn, dây mìn dài “dùn xuống” dùng răng cắn “ngọt sớt” làm đứt dây mìn, giúp đồng đội tiến thẳng vào bên trong, đúng là một chuyện thần thoại!. Kết quả trận đó ta tiêu diệt gọn một trung đội dân vệ, diệt tại chỗ 25 tên, bắt sống 2 tên, thu 18 súng các loại, 1 máy PRC 25. Quan trọng nhất, là nhổ được “cái gai cứng” án ngữ đường vận chuyển quân và hậu cần.
Từ tháng 4-1974 đến 7-1984, Huỳnh Trí có lúc làm cán bộ quân sự, có lúc làm cán bộ chính trị ở Mặt trận 979, dù cương vị nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhưng, điều mà Đỗ Bích Thúy tìm đến gặp người anh hùng, không phải là những câu chuyện chiến đấu “như huyền thoại” của ông. Trong câu chuyện được kể bằng chất giọng trầm buồn của người anh hùng, nữ nhà văn đã ngồi riết từ 16 giờ đến 21 giờ để nghe ông kể về hành trình đi tìm đồng đội trên đất Campuchia.
Ông đã xin nghỉ hưu sớm để xúc tiến việc đi tìm đồng đội. Bằng tâm huyết của mình, ông đã đề nghị các cấp có thẩm quyền thành lập các đội đi tìm hài cốt liệt sĩ trên nước bạn Campuchia và tình nguyện đi theo để giúp đỡ các đội này.
Khi Hai Trí lên đường sang Campuchia tìm hài cốt đồng đội, có chỗ “dễ thì người ta cho mình lấy, khó thì người ta không cho. Mình cũng chịu”. Ông bèn viết một lá thư gửi Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông phản ánh thực tế tình hình đi tìm hài cốt đồng đội bên Campuchia, và đề nghị Nhà nước có ý kiến với bạn. Một thời gian ngắn sau đó, sau cuộc làm việc giữa hai nhà nước, bạn đã đồng ý giúp đỡ các đội quy tập sang tìm hài cốt liệt sĩ.
Công tác tìm kiếm hài cốt đồng đội trên đất nước bạn từ đó mới tháo gỡ được những vướng mắc. Ông Hai Trí mải miết theo chân các đội tìm kiếm cho đến một ngày ông nhận ra rằng, sức khỏe đã không cho phép ông tiếp tục công việc thiêng liêng ấy... Trong ông vẫn chưa thôi day dứt về những sơ đồ mộ chí có trong tay nhưng chưa thể tìm được đồng đội vì thực địa đã đổi thay quá nhiều, day dứt khôn nguôi vì hài cốt đồng đội được tìm thấy nhưng không xác định được danh tính...
Về Hà Nội, Đỗ Bích Thúy vừa bóc băng ghi âm vừa khóc. Bài viết về Anh hùng Hai Trí đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Thấy câu chuyện quá cảm động, Ban biên tập đưa vào Cuộc thi viết về chủ đề "Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh". Và bài viết được trao giải nhì năm 2019.
Nhận giải, nữ nhà văn xinh đẹp lập tức gọi điện cho người Anh hùng. Chị nói, tôi chỉ ước giá bác ở gần, giá bác còn đủ sức khỏe thì tôi sẽ mời bác đến tòa soạn nhận giải cùng với tôi. Thực ra, giải thưởng này trao cho bác, cho cuộc đời cầm súng bất khuất kiên trung của bác. Tôi chỉ là người chép lại mà thôi.
Tết Canh Tý 2020, nhà văn gửi biếu Anh hùng Hai Trí một phần tiền thưởng. Ông Hai Trí lại gọi điện ra. Giọng ông xúc động vô cùng. Ông nói với nhà văn: “Cho bác gửi lời cảm ơn Ban biên tập nhé! Khi nào rảnh lại vào đây chơi với bác”.
Nguyễn Hồng