Một tuần sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14/SL quyết định Tổng tuyển cử trên cả nước bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 13-12-1945, Bác Hồ viết bài đăng trên báo Cứu quốc (số 130) nói rõ: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài có đức để gánh công việc nước nhà...
Trong Tổng tuyển cử, hễ ai là người muốn lo việc nước nhà thì đều có quyền ra ứng cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam đều có hai quyền đó".
Thời gian đó, tôi (Nguyễn Văn Đồng, sau này do yêu cầu công tác nên đổi thành Đồng Sĩ Nguyên) là Chủ nhiệm Việt minh kiêm Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Quảng Bình. Về Tổng tuyển cử, Quảng Bình được Chính phủ quy định bầu năm đại biểu, và tôi là một trong bảy người được đề cử để bầu.
Công việc chuẩn bị bầu cử được tiến hành gấp gáp nhưng rất bài bản. Những ngày vận động bầu cử Quốc hội Khóa I, khắp nơi trong tỉnh từ thị xã Đồng Hới đến các thôn xóm, không khác gì ngày hội. Không khí ấy kéo dài cả tháng. Hoạt động của Hội Phụ nữ, Hội Phụ lão... cực kỳ sôi nổi, cuốn hút. Băng cờ, khẩu hiệu trương ra khắp nơi. Sinh hoạt thơ ca, hò vè dù nôm na, mộc mạc nhưng khá ấn tượng, dễ đi vào lòng người, dễ nhớ. Tôi nhớ mãi hai câu văn vần (câu vè) được cán bộ tuyên truyền nghĩ ra để vận động bầu cử:
Thuần Nho, Võ Quyết, Văn Đồng,
Trần Hướng, Hoàng Diệm chớ quên người nào.
Báo chí xuất bản ngày 6-1-1946 nhất loạt dành vị trí trang trọng nhất để giới thiệu cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Dân tộc. Báo Sự Thật đặt ở đầu trang nhất dòng chữ đậm: "Tất cả hãy đến thùng phiếu!". Một tờ báo khác lại in hình Cụ Hồ với lời khuyên của Người: "Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu". Việc bỏ phiếu ở Quảng Bình diễn ra thuận lợi, chóng vánh. Kết quả năm anh em chúng tôi có tên trong hai câu vè đều trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao. Còn vể Tổng tuyển cử trên toàn quốc, sau này qua tìm hiểu, tôi được biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 82%. Nhiều nơi ở Nam Bộ, bà con ta đi bỏ phiếu trước họng súng của kẻ thù, thậm chí xảy ra xô xát với lực lượng phá hoại. Điều đó khẳng định mỗi khi nhân dân một lòng tin tưởng vào Chính phủ của Cụ Hồ thì việc dù khó khăn đến mấy cũng thành công.
Gần hai tháng sau ngày Tổng tuyển cử, năm anh em chúng tôi ra Hà Nội dự kỳ họp đầu tiên Quốc hội Khóa I. Nhà nước vừa ra đời trên thảm cảnh hai triệu người chết đói. Nước nghèo, dân đói, nên hầu hết đại biểu Quốc hội các địa phương về Thủ đô dự họp đều tự túc ăn ở. Năm anh em chúng tôi ở nhờ một gia đình tư sản trên phố Hàng Đào. Không khí cách mạng lúc đó hừng hực, oai hùng lắm, nên được đại biểu Việt minh ở trong nhà là niềm vinh hạnh cho gia chủ.
Ngày 2-3-1946, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I chính thức khai mạc tại Nhà hát lớn. Dự họp có 333 đại biểu được bầu trong Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Do không phá hoại được Tổng tuyển cử, Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt quốc, Việt cách) đòi 70 ghế trong Quốc hội. Với chủ trương hòa hợp dân tộc, tập trung lực lượng chống thực dân Pháp, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục các đại biểu chấp thuận yêu sách đó. Có lẽ đây là điều độc nhất vô nhị, chỉ Quốc hội ta mới có!
Đại biểu Quốc hội khóa I gồm nhiều đảng phái; đông nhất là những người cộng sản; còn lại thuộc các Đảng: Dân chủ, Xã hội và đại biểu không đảng phái. Trong phiên họp đầu tiên, để phân biệt với các đại biểu các đảng phái khác, các đại biểu là cộng sản thắt cà vạt màu đỏ, ngồi theo một khối, thể hiện ý chí chiến đấu. Trong quá trình hội nghị, các đại biểu là đảng viên cộng sản phát biểu tranh luận thẳng thắn, phản bác quyết liệt các luận điểm trái với đường lối cách mạng của Đảng ta.
Quan điểm của Bác Hồ khi đó là: có đối lập thì những người cộng sản càng sắc sảo, bản lĩnh trong đấu tranh. Đại biểu các đảng phái đối lập cơ bản không có thực lực, xa rời quần chúng, không có sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, nên phát biểu tại nghị trường không có lập trường rõ rệt, chỉ mang tính quậy phá, a dua, nên thường bị cô lập...
Khai mạc kỳ họp, Bác Hồ đọc báo cáo vắn tắt, đại ý: Đây là cuộc họp quốc dân đại biểu đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam, là kết quả của Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946; là kết quả hy sinh tranh đấu của Tổ tiên ta; kết quả của Cách mạng Tháng Tám 1945; của tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng, hy sinh phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thành công của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I là đã công nhận: Chính phủ liên hiệp kháng chiến, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; công nhận Kháng chiến ủy viên hội, Chủ tịch là Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch là Vũ Hồng Khanh; công nhận danh sách Quốc gia cố vấn đoàn, với Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại) làm Đoàn trưởng, sau bổ sung Lê Hữu Từ làm cố vấn tôn giáo; bầu Ban Thường trực Quốc hội, do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.
Kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa I khai mạc ngày 28-10-1946. Đây là kỳ họp giải quyết nhiều nội dung rất quan trọng, đặc biệt là thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dự họp có 290 đại biểu. Một số đại biểu ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ không ra dự được vì chiến sự căng thẳng. Số đại biểu của Việt quốc, Việt cách tự thấy vai trò vô tích sự của mình đã tự bỏ họp gần một nửa.
Thời gian chủ yếu của kỳ họp dành cho thảo luận dự thảo Hiến pháp. Thực chất là cuộc tranh luận về quan điểm của các đảng phái, tranh luận từng điều rất dân chủ nhưng cũng rất quyết liệt, thậm chí căng thẳng... Điều đặc biệt ở kỳ họp này là các đại biểu đã tiến hành chất vấn các thành viên của Chính phủ và chất vấn có lúc cũng "nảy lửa". Rất lý thú là báo giới tự do vào ra tác nghiệp và người dân cũng được vào xem Quốc hội họp. Sau hơn mười ngày tranh luận, góp ý, ngày 9-11-1946, Hiến pháp gồm 7 Chương, 70 Điều được thông qua, chỉ có 2 phiếu không đồng ý.
Trong quá trình tranh luận, Bác Hồ là người phát biểu "cởi" những nút căng nhất. Khi một số đại biểu Việt quốc, Việt cách đòi thay Quốc kỳ, Bác nói (đại ý): Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm biết bao máu của chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Bây giờ, trừ 25 triệu đồng bào ra, không ai có quyền đòi thay đổi Quốc kỳ.
Nghe Bác nói vậy, các đại biểu đứng cả dậy và Nhà hát như vỡ ra bởi tiếng vỗ tay, chỉ đến khi Người ra hiệu dừng mới thôi.
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù được chuẩn bị trong thời gian ngắn, nhưng thực sự là Hiến pháp của dân, do dân, vì dân. Đồng thời, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nền lập hiến, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám và Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I là minh chứng sống động về sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta. Nhân dân tự giác, đồng tâm theo Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng. Đặc biệt tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân đã được thể hiện cơ bản đầy đủ trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng là kim chỉ nam cho Quốc hội suốt 70 năm qua.
(Duy Tường ghi theo lời kể của bác Đồng Sĩ Nguyên)